Hiện trường dự án D-AQUA không thấy dấu hiệu xây dựng
Rầm rộ chào bán
“Dự án bên em có nhiều căn hộ diện tích từ 30 - 110 m2, giá dao động từ 40 - 50 triệu đồng/m2, khách đã nhận đặt chỗ rất nhiều, nếu anh có nhu cầu mua thì nên đặt phiếu giữ chỗ sớm, sau này sợ không còn nữa”.
Nhung - một nhân viên môi giới - thuyết phục phóng viên về dự án D-AQUA tại quận 8, TP.HCM do Công ty TNHH Đầu tư DHA (Công ty DHA) làm chủ đầu tư. Môi giới này cho biết, tháng 12/2020, dự án đã được giới thiệu ra thị trường.
“Nếu ưng ý, anh sẽ được chọn căn hộ bằng phiếu đăng ký nguyện vọng với số tiền là 50 triệu đồng và chuyển trực tiếp vào tài khoản của sàn môi giới”, Nhung nói.
Tuy nhiên, trái ngược với thúc giục “mua nhanh kẻo hết” của nữ môi giới có giọng nói rất ngọt ngào này, theo ghi nhận của phóng viên, tại địa chỉ được giới thiệu với tên gọi là dự án căn hộ chung cư D-AQUA hiện vẫn là đất trống, chưa có dấu hiệu hoạt động xây dựng.
Một dự án khác có tên HausBelo tọa lạc tại mặt tiền đường đường Võ Chí Công, phường Phú Hữu, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), do Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Minh Sơn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển EZ Land Việt Nam là đơn vị phát triển, đang được các môi giới rao sang nhượng với mức chênh lệch từ 70 - 120 triệu đồng, tương đương từ khoảng 1,2 tỷ - 1,7 tỷ đồng/căn (tuỳ diện tích).
Đây là dự án nhà ở xã hội, nhưng lại được môi giới thông tin với người mua là dự án nhà ở thương mại, đồng thời kể từ năm 2018 - thời điểm giới thiệu dự án ra thị trường đến nay đã gần 2 năm, nhưng HausBelo vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Được biết, hiện Công ty Minh Sơn đang đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000 làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng quy mô dân số đối với lô đất xây dựng chung cư, nhưng một số nguồn tin cho biết, hiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đang gặp “trục trặc”.
Một dự án khác là Park Vista (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) gần đây cũng gây bất ngờ trên thị trường khi được rầm rộ chào mời, chuyển nhượng lại với giá khoảng 33 - 36 triệu đồng/m2.
Đây là dự án do Công ty Đông Mê Kông làm chủ đầu tư, dự kiến bàn giao nhà vào quý II/2018, chậm nhất quý I/2019, nhưng hiện vẫn xây dở dang và dừng thi công do chủ đầu tư có nhiều thiếu sót từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi thực hiện dự án.
Cụ thể, Thông báo kết luận thanh tra số 83/TB-TTTP-P3 ngày 31/7/2020 của Thanh tra TP.HCM nêu rõ, Công ty Đông Mê Kông vi phạm trong nhiều lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đặc biệt là đã bán 298 căn hộ tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận...
Cẩn trọng
Theo luật sư Nguyễn Trung Tưởng, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ quy định của pháp luật, nhà ở hình thành trong tương lai phải đảm bảo thi công hoàn thành cơ sở hạ tầng và được cơ quan chức năng nghiệm thu... thì mới được giao dịch.
Quy định là vậy, nhưng dưới áp lực dòng tiền, một số chủ đầu tư chỉ mới san lấp mặt bằng đã huy động vốn khách hàng, thậm chí có trường hợp thu đến 95% giá trị căn hộ.
“Người mua nên nhớ hầu hết dự án bán lúa non, chủ đầu tư đều có năng lực tài chính yếu, họ cần huy động nguồn tiền của khách hàng để xây dựng”, ông Tưởng nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chủ đầu tư trở thành “nạn nhân” khi dự án bị môi giới rao bán, thậm chí lập trang web giới thiệu bán hàng, dù họ chưa hề có thỏa thuận gì.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, với các dự án không đủ điều kiện giao dịch theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các giao dịch không đúng điều kiện và hình thức nên không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, trường hợp chủ đầu tư không đảm bảo thực hiện đúng tiến độ thì có thể yêu cầu chấm dứt thực hiện giao dịch và hoàn trả tiền cho khách hàng.
“Nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện, nhưng có nhiều vụ án kéo dài, các khoản quy định phạt trong văn bản giao dịch không có giá trị nên khách hàng càng thiệt. Trước khi giao dịch, dù giá hấp dẫn, nhiều chương trình, khách hàng vẫn cần thận trọng, cân nhắc kỹ, dự án không triển khai, lấy lại tiền của mình cũng không phải là dễ dàng”, ông Phượng nhấn mạnh.
-
Đồn nhau đổ tiền vào miếng đất hoang: Người đổi đời lừa kẻ trắng tay
Những vùng đất bỏ hoang bỗng chốc có giá khi giữa mùa dịch, hàng trăm nhà đầu tư đổ xô đi mua. Cơ quan chức năng ngay lập tức phải cảnh báo và giải tán đám đông để phòng dịch.
-
Công viên hơn 3.400 tỷ đồng tại Thủ đô chính thức đưa vào hoạt động sau 7 năm bỏ hoang
Sau nhiều năm bi bỏ hoàng, chủ đầu tư đã bàn giao tạm thời cho UBND quận Nam Từ Liêm các hạng mục thuộc dự án xây dựng công viên hồ Phùng Khoang để chính thức đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025....
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...