17/09/2015 10:05 PM
Đó là câu mà nhiều người dân ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa phải thốt lên khi nói về Dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam với mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Dự án 3.000 tỷ ở Thanh Hóa: “Nhìn mà xót quá mấy chú à!”

Dự án Khu đô thị mới phía Đông đại lộ Bắc Nam đắp chiếu gần nửa thập kỷ qua. Ảnh: Việt Hưng
"Hắn có làm thì làm, không thì trả đất cho bà con"
Dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam do Công ty TNHH Điện tử tin học viễn thông EITC thực hiện. Theo đó, dự án này có quy mô lên đến 57,95ha, với tổng mức đầu tư lên đến 2.980.570.000.000 đồng. Ban đầu, chủ đầu tư giới thiệu là biến “cánh đồng hoang” với cỏ dại thành những căn biệt thự, nhà liền kề quy củ, hoành tráng và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Những tưởng có dự án này sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân quanh năm chân lấm tay bùn chỉ biết đến đồng ruộng ở đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm, người dân phường Nam Ngạn dần nhận ra đó chỉ là giấc mơ xa vời.

Dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam chính thức thực hiện từ năm 2010, người dân đã trả đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án. Nhưng sau nhiều năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù, mà dự án cũng chưa có dấu hiệu triển khai.

Trả lời phóng viên, một người dân xã Nam Ngạn cho biết: “Nghe thông tin dự án từ năm 2010, đã có thông báo của chính quyền thu hồi đất, nhưng có thấy hắn (nhà đầu tư - PV) thực hiện gì đâu. Tiền đền bù hắn chưa trả, đất thì không canh tác được, nhìn đất bỏ hoang mà thấy xót quá các chú à. Hắn có làm thì làm, không thì trả lại đất cho bà con còn làm ăn chứ”.

Một người dân khác ở phường Nam Ngạn tên Hải cho biết, trước đây khu vực này bà con canh tác nông nghiệp, nhưng “mấy năm trước người ta công bố dự án rồi “treo” từ đó đến nay”. “Tiền đền bù thì không được nhận, đất đai thì để hoang. Mưa thì gây ngập úng, nắng thì khô hạn khiến người dân không thể cấy lúa hay trồng hoa màu trong khi vẫn mòn mỏi chờ đền bù”, ông Hải bức xúc cho hay.

Nhiều dự án “đắp chiếu”

Công ty EITC là chủ đầu tư nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài Dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam, Công ty EITC còn là chủ đầu tư của Dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (555 tỷ đồng); Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B thuộc khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa (512 tỷ đồng). Những dự án này Công ty EITC liên kết với các các công ty khác như là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đại Long; Công ty Cổ phần Đầu tư Fortune và Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư bất động sản An Phát để thực hiện.

Dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư cũng gây bức xúc dư luận, đến nay vẫn ngổn ngang mặt bằng. Ảnh: Việt Hưng

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tất cả những dự án này đang có hiện tượng “đắp chiếu”.

Tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B thuộc khu đô thị mới Đông Hương, theo quan sát của phóng viên, hiện nay gần như không hoạt động, không có công nhân làm việc tại công trường. Bên ngoài hàng rào, cỏ mọc um tùm, rào bạt tạm bợ, rách nát. Dự án không những có dấu hiệu “đắp chiếu” mà còn có vi phạm xây dựng khác như dựng nhà kho để cho một số đơn vị khác thuê làm văn phòng.

Dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận. Nhiều hộ dân bị lấy đất, phá nhà nhiều năm nay nhưng vân chưa được đền bù. Dù mặt bằng chưa “sạch” nhưng chủ đầu tư đã tranh thủ dựng lên một nhà hàng khá hoành tráng như để khẳng định “chủ quyền”.

Cơ quan chức năng cũng không lạc quan với dự án 3.000 tỷ đồng

Trong khi người dân tỏ ra bức xúc với việc dự án bỏ hoang nhiều năm không thi công khiến họ không có công ăn việc làm, thì các cơ quan chức năng liên quan đến các dự án cũng tỏ ra ngao ngán.

Theo ông Trịnh Khắc Quy - Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa): Dự án khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam từ năm 2011 được giao cho chủ đầu tư từ nhiều năm nhưng đã làm gì đâu. “Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty EITC và Fortune. Tổng số tiền phải nộp là 116,858 tỷ đồng nhưng Cục Thuế chưa nhận được đồng nào hết” - ông Quy cho biết.

“Tiền đền bù giải phóng mặt bằng là rất lớn, hắn (chủ đầu tư - PV) đã chuyển tiền đâu mà giải phóng mặt bằng” - ông Quy nói thêm.

Ngoài ra ông Quy cũng cho biết, mới đây tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số đơn vị được tỉnh giao làm đơn vị mời thầu đánh giá lại năng lực tài chính, kiểm tra lại khả năng để xem xét điều chỉnh hoặc thu hồi dự án theo Thông báo số 107/TB-UBND ngày 30/7/2015.

Còn tại phường Nam Ngạn, từ Chủ tịch UBND đến cán bộ địa chính tỏ ra không mấy lạc quan vào dự án 3.000 tỷ của Công ty EITC.

Theo bà Nguyễn Thị Hiên - cán bộ địa chính phường Nam Ngạn - thì từ trước đến nay chưa biết mặt mũi chủ đầu tư như thế nào, bởi Công ty EITC vẫn chưa có liên hệ gì với địa phương. Theo bà Hiên, cho đế nay dự án “vẫn đang nằm ngủ yên”.

Trong vẻ mặt trầm ngâm, Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn, ông Hoàng Đình Hùng cho hay, để bố trí đất cho dự án, phường Nam Ngạn có tới 273 hộ bị thu hồi đất, với tổng kinh phí bồi thường 71 tỷ đồng. Từ khi có chủ trương đầu tư, phường đã lên kế hoạch, phương án đền bù từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Người dân mất đất nhiều năm nay cũng đang rất bức xúc và mong muốn sớm nhận được tiền bồi thường để chuyển đổi ngành nghề. “Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên Trung tâm Quỹ đất của tỉnh nhưng Trung tâm này nói chưa có tiền để trả cho phường” - ông Hùng cho biết.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, kiêm Giám đốc Trung tâm Quỹ đất tỉnh cho hay, tổng chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam khoảng gần 100 tỷ đồng, nhưng hiện tại chủ đầu tư mới nộp gần 20 tỷ đồng, với diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 10ha. “Ngay cả Hà Nội vốn liếng làm một nhát còn thấy khó, huống hồ tỉnh lẻ như Thanh Hóa. Các tỉnh lẻ lấy đâu ra dự án hàng nghìn tỷ, tiền đâu mà làm” - ông Dũng chia sẻ.

Những dự án tai tiếng của “ông chủ” bí ẩn

Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH Điện tử tin học viễn thông EITC có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát góp 48% vốn điều lệ. Công ty An Phát cũng nắm 45% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Fortune; 45% vốn điều lệ tại Công ty Đại Long. Mới đây nhất, Công ty An Phát đã thâu tóm cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3).

Hiện nay, Công ty An Phát và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đại Long đang thực hiện Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu ĐTM Đông Hương, TP Thanh Hóa. Dự án này có quy mô 2,91ha với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ.

Việt Hưng (Báo Thanh Tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.