Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 420 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, lao động nhập cư chiếm 60%. Nhu cầu về nhà ở cho công nhân và người lao động ngoại tỉnh đang là bức thiết tại đây.

Một góc khu dân cư Nhơn Trạch, Đồng Nai (Ảnh: K.V)
Trước nhu cầu bức thiết về nơi ở của công nhân, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp có sử dụng lao động đã đầu tư xây dựng được 65.000 m2 nhà ở, và bố trí khoảng 10.000 lao động có chỗ ở, nhà do các công ty kinh doanh xây dựng cho công nhân thuê ở đạt 40.000 m2, dành cho 6000 người. Ngoài ra, có đến hơn 13.000 cơ sở tư nhân xây phòng trọ để kinh doanh, với trên 100.000 phòng, đáp ứng cho khoảng gần 178.000 nhân khẩu, còn lại là khoảng gần 15.000 hộ gia đình cho 283.000 lao động thuê hơn 100.000 phòng trọ bình dân, tập trung tại các địa phương như thành phố Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch...

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, thời gian qua, số lượng các nhà trọ cho công nhân thuê ở đã giải quyết trước mắt những khó khăn cho người lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn nhà cho công nhân lao động thuê ở là do tư nhân xây dựng, chưa đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu, đó là về diện tích, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...

Chị Đỗ Thu Hường, quê ở Hòa Bình, vào làm công nhân tại phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa cho biết: Với mức thu nhập bình quân của công nhân là khoảng từ 1,8 triệu đến khoảng hơn 2,3 triệu đồng/người/tháng thì chỉ riêng khoản thuê ở trọ, công nhân mất khoảng 10% thu nhập, là khoản chi khá cao khiến người lao động luôn phải chọn nơi ở sao cho hợp lý nhất. nhà tôi hai vợ chồng cùng đi làm doanh nghiệp, một tháng thu nhập khoảng 4 triệu đồng, do vậy chỉ dám thuê phòng trọ nhỏ với giá 400 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước và các dịch vụ khác nữa. Hoàn cảnh của gia đình chị Hường cũng là thực trạng chung của đời sống người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, nên dù nơi ở có chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhưng công nhân không có lựa chọn khác.

Tại Đồng Nai đã có một số doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân như Tổng công ty Sonadezi. Mặc dù đã hoàn thành 2 khu nhà ở tại khu dân cư Tam An (huyện Long Thành), dự kiến cho khoảng 1000 công nhân thuê. Nhưng do giá cả cao hơn gấp nhiều lần so với ở ngoài, nên rất ít người đến thuê. Hiện tại, hai dãy nhà này đã được một công ty nước ngoài thuê lại toàn bộ. Trong khi đó, nguồn vốn của các doanh nghiệp này còn hạn chế, không đủ khả năng đầu tư một lúc vào nhiều công trình, trong đó có dự án nhà cho công nhân thuê phải vay vốn. Vì lãi suất vay từ ngân hàng thường cao, chỉ riêng khoản lãi vay hàng năm cũng đã làm cho doanh nghiệp chật vật, chưa nói đến chuyện lợi nhuận. Nếu hạ giá cho thuê nhà ở để thu hút công nhân, thì mỗi công trình phải mất từ 30 năm đến 40 năm mới có thể thu hồi đủ vốn. Đây chính là những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp không thiết tha nhiều với lĩnh vực này.

Được biết, theo kế hoạch tỉnh Đồng Nai đề ra thì năm 2010 sẽ giải quyết 30% số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, đủ điều kiện theo quy chuẩn, 100% nhà cho công nhân thuê phải được chỉnh trang, sửa chữa, đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu theo quy định; đến năm 2015 nâng lên 70% số lượng công nhân có chỗ ở phù hợp với những tiêu chuẩn của Nhà nước./..

K.V (ĐCSVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland