Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn, khoảng 60-70 tỷ USD
Khoản tài chính 1 tỷ USD này được tái khẳng định bởi Bộ Tài chính Anh và là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long công bố, đồng thời nhấn mạnh: nguồn lực tài chính từ các đối tác như Anh sẽ đóng vai trò then chốt để Việt Nam từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, quan hệ thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh trong thời gian qua phát triển rất nhanh và tích cực. Sự hiện diện của các hiệp định thương mại như UKVFTA và gần đây là việc Anh chính thức gia nhập Hiệp định CPTPP đã tạo động lực mới cho hợp tác song phương.
Năm 2024, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt kỷ lục 8 tỷ bảng Anh, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,7 tỷ bảng và nhập khẩu 1,3 tỷ bảng.
Anh cũng đang là đối tác dẫn đầu về xuất khẩu dịch vụ vào Việt Nam, với tổng giá trị dịch vụ đạt hơn 40 tỷ bảng Anh. Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính và chuyển giao công nghệ là nền tảng cho những bước tiến tiếp theo trong hợp tác năng lượng – lĩnh vực được cả hai bên ưu tiên.
Một trong những điểm nhấn của hợp tác song phương là lĩnh vực điện gió ngoài khơi, nơi Anh là quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ, chuỗi cung ứng và cơ chế tài chính. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và tăng lên 17.500 MW vào năm 2035. Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, đã có hàng loạt tập đoàn tư nhân Việt Nam gửi đơn đăng ký triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam kỳ vọng dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên có thể chính thức triển khai vào cuối năm nay. Để làm được điều đó, Việt Nam mong muốn Anh tiếp tục hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và đặc biệt là tiếp cận vốn khi mỗi dự án có thể yêu cầu chi phí lên đến 60-70 tỷ USD...
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các rào cản, từ đó tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, bán lẻ, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ chính thức loại bỏ thủ tục đánh giá nhu cầu kinh tế (ENT) đối với nhà đầu tư nước ngoài theo CPTPP từ ngày 14/1/2024 và theo UKVFTA từ ngày 1/8/2025, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực bán lẻ và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
-
Thương mại Việt – Anh chạm mốc 8 tỷ bảng: Cơ hội lớn nhưng còn nhiều điểm nghẽn
Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Anh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, tại tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 27/6, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BritCham) cho rằng để dòng chảy thương mại bứt tốc, Việt Nam cần tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về hải quan, thủ tục hành chính và công nhận chứng từ số.
-
Tại tọa đàm hợp tác Anh – Việt ngày 27/6, ông Warrick A. Cleine MBE – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách Doanh nghiệp Anh quốc (BCAC), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam và Campuchia đã nêu một loạt đề xuất trọng điểm nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính Quốc tế.
-
Doanh nghiệp Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu quốc gia thu nhập cao vào năm 2045
Tại buổi tọa đàm hợp tác doanh nghiệp Anh – Việt Nam diễn ra ngày 27/6, đại diện Vương quốc Anh tái khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.







