“Sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ ở khu vực Đông Á mới nổi đồng nghĩa với việc đã đến lúc ngừng các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ ở khu vực này”, báo cáo Theo dõi Kinh tế Châu Á của ADB tháng 7 ra ngày hôm nay 20/7 nhấn mạnh.
Theo bản báo cáo Theo dõi Kinh tế Châu Á (Asia Economic Monitor - AEM), ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 đối với 14 nền kinh tế của Đông Á mới nổi từ mức 7,7% (dự báo trong cuốn Asian Development Outlook 2010 xuất bản tháng 4) lên mức 8,1%. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2011 vẫn ở mức 7,2%.
Đông Á mới nổi bao gồm 10 nền kinh tế của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cộng thêm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông; Hàn Quốc và Đài Loan.
Kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ được động lực tăng trưởng mạnh mẽ của mình bằng việc đạt tốc độ tăng trưởng 9,6% trong năm nay. Các biện pháp đã được công bố nhằm giảm bớt tốc độ tăng trưởng quá nóng nhiều khả năng sẽ kiềm chế được tốc độ tăng trưởng còn 9,1% trong năm 2011. Những dự báo này không có gì thay đổi trong báo cáo tháng 4 của ADB.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng toàn cầu vào đầu năm 2009, các nền kinh tế công nghiệp mới như Hồng Kông; Hàn Quốc; Sing-ga-po và Đài Loan được dự đoán sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay và giảm ở mức 4,5% vào năm 2011. Dẫn đầu là tốc độ tăng trưởng nhanh của Sing-ga-po, đạt 12,5%. Những nền kinh tế này sẽ hưởng lợi từ sự quay lại của các nhà đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu nhanh.
Triển vọng kinh tế của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tốt đẹp trong năm 2010, sau năm 2009 đầy khó khăn. Các chỉ số kinh tế tiếp tục được cải thiện, với sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp và lòng tin của người tiêu dùng gia tăng. Các nước ASEAN dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, sau đó tốc độ tăng chậm lại đôi chút trong năm 2011.
Trong đó, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà đạt tới tốc độ tăng trưởng mục tiêu là 6,5% trong năm nay.
Ông Srinivasa Madhur, Giám đốc cấp cao Văn phòng Hội Nhập Kinh tế Khu vực, nơi xuất bản tờ AEM nhận định: “Trong khi hầu hết các nền kinh tế Đông Á mới nổi đều chắc chắn hồi phục theo hình chữ V trong năm nay, vẫn còn quá sớm để nói rằng chữ “V” là chữ viết tắt của sự thắng lợi. Việc đảm bảo tính bền vững của kết quả phục hồi này phụ thuộc nhiều vào sự phù hợp của thời điểm, sự kết hợp các chính sách và tốc độ rút bỏ các gói kích thích kinh tế”.
Tờ AEM chỉ ra ba rủi ro lớn đối với triển vọng đầy lạc quan của Đông Á mới nổi. Đó là: sự ngắt quãng trong phục hồi kinh tế của những nền kinh tế phát triển, sự mất ổn định của các dòng vốn và những lỗi chính sách không chủ đích trong khi ngừng các biện pháp kích thích. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, hiện tại là thời điểm cho khu vực ngừng các chính sách kích thích nền kinh tế. Trong vấn đề phối hợp chính sách, chiến lược bình thường hóa chính sách tiền tệ trước khi củng cố chính sách tài khóa là một chiến lược phù hợp hơn cho hầu hết các nền kinh tế Đông Á mới nổi.
Tại Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Sing-ga-po, Đài Loan và Thái Lan đã bắt đầu các chính sách thắt chặt và cần tiếp tục với một tốc độ được xem là phù hợp.
Trên cơ sở những biện pháp gần đây để làm chậm lại tăng trưởng tín dụng, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cần đẩy mạnh bình thường hóa chính sách thông qua việc để đồng tiền tăng giá ở một mức độ phù hợp với những điều kiện kinh tế trong nước và phối hợp cùng các biện pháp khác.
Tại In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam, việc ngừng chính sách kích thích kinh tế có thể cần khởi động sớm.
Ông Madhur cho biết: “Việc ngừng các chính sách kích thích kinh tế ở một tốc độ phù hợp là điều rất quan trọng đối với mỗi nước nhưng sự phối hợp ở cấp độ khu vực chặt chẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề tỉ giá hối đoái, có thể kích thích nhu cầu khu vực và giúp cân bằng lại nền kinh tế toàn cầu”.
Cafeland.vn
theo Dân Trí