Tokyo là thành phố lớn với chi phí sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, nhưng giá nhà vẫn được duy trì ở mức phải chăng so với thu nhập của người dân. Bí quyết của thành phố này là gì?

https://static01.nyt.com/images/2023/09/11/multimedia/11appelbaum-zljp/11appelbaum-zljp-facebookJumbo.jpg

Yuta Yamasaki và vợ chuyển từ miền nam Nhật Bản đến Tokyo cách đây một thập kỷ vì triển vọng việc làm ở thành phố lớn tốt hơn. Hiện họ có ba con trai – 10 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi – và đang tìm một nơi ở rộng rãi hơn. Nhưng Yamasaki, người điều hành một cửa hàng gelato và vợ anh, một nhân viên chăm sóc trẻ em, không có ý định chuyển đi xa. Họ tự tin có thể tìm được một căn hộ ba phòng ngủ giá cả phải chăng trong khu phố của mình.

Khi giá nhà đất tăng vọt ở các thành phố lớn trên khắp Hoa Kỳ và hầu hết các nước phát triển, việc mọi người rời bỏ những khu vực có triển vọng kinh tế mạnh nhất và công việc tốt nhất là điều bình thường, bởi họ không đủ khả năng chi trả để sống tại những nơi đó. Các thành phố thịnh vượng ngày càng hoạt động giống như các câu lạc bộ tư nhân, nơi mà một số lượng nhà có hạn thuộc về những người có thể trả giá cao nhất.

Tokyo thì không giống vậy.

Trong nửa thế kỷ qua, bằng cách đầu tư vào giao thông công cộng và cho phép phát triển các khu dân cư, thành phố đã có thêm nhiều đơn vị nhà ở hơn tổng số nhà ở Thành phố New York. Giá nhà tại đây vẫn được duy trì ở mức phải chăng ngay cả khi Tokyo trở thành thành phố đông dân nhất thế giới. Hay nói đúng hơn, Tokyo trở thành thành phố đông dân nhất thế giới nhờ giá nhà phải chăng.

Hai công nhân làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu ở Tokyo có thừa sức để chi trả mức tiền thuê trung bình cho một căn hộ hai phòng ngủ tại 6 trong số 23 phường của thành phố. Trong khi đó, hai người có mức lương tối thiểu sẽ không đủ khả năng thuê một căn hộ hai phòng ngủ ở bất kỳ quận nào trong số 23 quận tại Vùng đô thị New York.

Việc duy trì lượng nhà ở giá rẻ dồi dào cũng có nhược điểm đi kèm. Tokyo rất thiếu không gian xanh và không gian sống tại đây rất nhỏ so với các nước phương Tây. Quá trình phát triển và tái phát triển các dự án nhà ở cũng gây ra nhiều xáo trộn cho cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, lợi ích từ cách làm này lại rất sâu sắc. Những người muốn sống ở Tokyo thường có đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí và phí thuê nahf. Có rất ít người vô gia cư tại đây. Thành phố vẫn cung cấp các hoạt động kinh tế đa dạng, bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi các cơ hội và tiện nghi đô thị cho người dân. Và vì tiền thuê nhà chiếm một phần nhỏ thu nhập nên mọi người có nhiều tiền hơn cho những hoạt động khác - hoặc họ có thể sống với mức lương thấp hơn - điều này giúp bảo tồn cơ cấu kinh tế sống động của thành phố với các nhà hàng nhỏ, cơ sở kinh doanh và xưởng thủ công.

Khi các nhà lãnh đạo ở các khu đô thị trên khắp thế giới phát triển đang vật lộn tìm ra cách tốt nhất để hồi sinh các thành phố của họ sau đại dịch, Tokyo đã trở thành một hình mẫu.

Nếu nhìn từ trên không hoặc từ một trong nhiều đài quan sát của thành phố, Tokyo hiện lên như một mặt biển rộng lớn gồm các tòa nhà thấp và trung tầng nằm xen kẽ với các cụm công trình cao tầng, mỗi công trình cao tầng lại nằm gần một nhà ga dọc theo một trong các tuyến đường sắt của thành phố.

Gia đình Yamasaki sống gần Trạm Yoga trên tuyến Den-en-toshi, hay Garden City, từ trung tâm thành phố trải dài về phía tây nam. Họ thuê một căn hộ hai phòng ngủ với giá 150.000 yên mỗi tháng (1.020 USD).

Mọi người từ lâu đã đổ xô đến các thành phố thịnh vượng để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn; cho đến gần đây, phần lớn các thành phố đã thành công trong việc tạo chỗ ở và công ăn việc làm cho những người di cư từ các tỉnh. Trong một nghiên cứu năm 2014, nhà kinh tế học Katharina Knoll và các đồng tác giả đã kết luận rằng giá nhà ở đô thị tại các quốc gia công nghiệp hóa đã được duy trì ổn định từ năm 1870 đến năm 1950 bất chấp việc dân số tăng nhanh, vì hạ tầng giao thông phát triển đã mở rộng khu sinh vực sống ra xa hơn.

Khi các thành phố như New York ngừng xây dựng các tuyến vận tải công cộng mới và bắt đầu hạn chế phát triển các tuyến mới dọc theo những tuyến hiện có, thì tốc độ tăng trưởng bị đình trệ và giá nhà đất tăng cao. Ở Garden City thuộc Long Island, các ga đường sắt vẫn được bao quanh bởi những ngôi nhà dành cho một gia đình trên những khu đất rộng - phần lớn là những ngôi nhà giống nhau, nhưng một ngôi nhà trung bình hiện có giá hơn 1,2 triệu USD.

Một số thành phố, như Singapore và Vienna, đã đi ngược lại xu hướng này bằng cách sử dụng công quỹ để xây dựng nhà ở giá rẻ. Gần 80% người dân Singapore sống trong nhà ở công cộng.

Ngược lại, ở Tokyo có rất ít nhà ở công cộng hoặc nhà ở do chính phủ trợ cấp. Thay vào đó, chính phủ đã tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển xây dựng thêm nhà ở mới. Ví dụ, luật quy hoạch của Nhật Bản hạn chế đáng kể việc chính quyền địa phương cản trở xây dựng nhà mới. Họ chuyển quyền ra quyết định cho toàn bộ người dân để cân đối lợi ích của cư dân hiện tại và những người mới di cư đến.

Các tòa nhà chung cư nhỏ có thể được xây dựng ở hầu hết mọi nơi và các công trình lớn hơn được phép xây dựng trên phần lớn đất đô thị. Ngay cả ở những khu vực được chỉ định làm văn phòng, nhà ở vẫn được phép xây dựng. Sau khi thị trường văn phòng Tokyo sụp đổ vào những năm 1990, các nhà phát triển bắt đầu xây dựng căn hộ trên mảnh đất mà họ mua để làm tòa nhà văn phòng.

Christian Dimmer, giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Waseda và là cư dân Tokyo lâu năm, cho biết: “Ở các thành phố tiến bộ, chúng tôi có thể đang chỉ trích thái quá các sáng kiến tư nhân, nhưng ở Tokyo những điều tốt đẹp đã được tạo ra thông qua sáng kiến tư nhân.”

Tokyo không dành nhiều nỗ lực để bảo tồn những ngôi nhà cũ. Các quận lịch sử phải tuân thủ luật bảo tồn vẫn tồn tại ở các thành phố khác của Nhật Bản, nhưng tại Tokyo thì không. Các công trình mới tại đây được đánh giá cao hơn. Mọi người coi nhà như ô tô: Họ muốn những mẫu xe mới nhất. Theo dữ liệu gần đây nhất của chính phủ, từ năm 2013 đến 2018, nhà mới chiếm 86% doanh số bán nhà ở Nhật Bản. Tại Mỹ, nhà mới thường chiếm khoảng 15% doanh số bán, theo dữ liệu từ Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia.

Một lý do khiến Tokyo ưu tiên nhà mới là vì muốn xóa bỏ những tàn tích còn sót lại của thành phố sau chiến tranh, động đất và hỏa hoạn. Các tòa nhà cũ kỹ thời hậu chiến được xây dựng bằng gỗ và rẻ tiền nằm rải rác trong thành phố đang dần sụp đổ.

Yuka Mendo, người sở hữu một kho gạo có tuổi đời hàng thế kỷ ở Kuramae, khu phố ngay phía bắc trung tâm Tokyo, cho biết nhiều người đến gõ cửa nhà cô mỗi tuần để hỏi xem cô và chồng có sẵn sàng bán căn nhà hay không. Họ muốn mua lại mảnh đất này và phá bỏ tòa nhà để xây dựng công trình mới. Bản thân Mendo và chồng chỉ sống một thời gian ngắn trong nhà kho cũ kỹ này trước khi quyết định thuê một căn hộ ở một tòa nhà mới gần đó để sống thoải mái hơn, thay vì chịu đựng hệ thống ống nước cũ kỹ và những bức tường bị gió lùa.

Mặc dù mức sống có thể rẻ hơn ở London hay Hồng Kông nhưng Tokyo vẫn là thành phố đắt đỏ nhất Nhật Bản. Mendo, lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Chiba, cho biết nhiều bạn cùng lớp của cô đã chuyển đến Tokyo để học đại học hoặc đi làm, sau đó trở về quê hương để nuôi sống gia đình.

Takako Ohyama, 35 tuổi, người trả số tiền tương đương 1.500 USD/tháng cho căn hộ một phòng ngủ nơi cô sống cùng chồng và con gái, cho biết cô đang có kế hoạch chuyển về quận Miyagi, phía bắc Nhật Bản, nơi bố mẹ cô sinh sống.

“Tokyo là một thành phố thú vị,” cô nói. “Nhưng ở Miyagi rẻ hơn.”

Lam Vy (NYT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Sau khi trải qua năm 2023 đầy thử thách với lãi suất cao, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động cho thuê và đầu tư, thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho nửa cuối n...

  • Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Ngành bất động sản châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng khi tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh cũng như mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường này lại vượt trội so với phần còn l...

  • Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Theo báo cáo thị trường của công ty tư vấn xây dựng toàn cầu Linesight công bố vào ngày 21/03, tình trạng thiếu lao động lành nghề và lãi suất tăng trong thời gian dài tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng khu vực vào năm 2...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.