Theo đà tăng của nguyên liệu, một số nhà sản xuất xi măng đã điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm xi măng để bù vào chi phí, ổn định sản xuất.

Chi phí sản xuất bào mòn lợi nhuận

Vừa qua, các doanh nghiệp xi măng đã công bố báo cáo tài chính quý 1.2022 với kết quả không mấy khả quan. Nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này suy giảm.

Doanh nghiệp kỳ vọng tăng giá bán xi măng bù đắp được chi phí sản xuất

Đơn cử, Xi măng Hà Tiên 1 kết thúc quý đầu năm 2022 với doanh thu tăng trưởng, song lợi nhuận lại giảm sút so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.957 tỉ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong khi tỷ lệ chi phí vốn tăng ở mức cao hơn với 19,4% nên lợi nhuận gộp còn 163,5 tỉ đồng, giảm 31,8% so với con số ghi nhận trong quý 1.2021.

Sau khi khấu trừ các chi phí, Xi măng Hà Tiên 1 lãi sau thuế trong quý 1 chỉ đạt 24,8 tỉ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Trước diễn biến giá nguyên liệu tăng mạnh thời gian qua, lãnh đạo Xi măng Hà Tiên 1 lo ngại giá than, giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều chi phí sản xuất của doanh nghiệp xi măng tăng thêm.

Với diễn biến này, hầu hết các doanh nghiệp xi măng đều phải tăng giá. Bản thân Hà Tiên 1 trong tháng 3 vừa qua đã tăng thêm 100.000 đồng/tấn. Doanh nghiệp này kỳ vọng những đợt điều chỉnh tăng giá bán sẽ bù đắp phần nào đà tăng giá nguyên liệu, năng lượng khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Công ty này cũng tăng dần sử dụng nguyên liệu thay thế như tro bay, xỉ lò cao, xỉ đáy… để sản xuất xi măng, đồng thời kiểm soát chi phí tài chính, chi phí sửa chữa.

Tương tự, CTCP Xi măng Hoàng Mai ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 429 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng lên tới 375 tỉ đồng, nên lợi nhuận trong giai đoạn này chỉ đạt 355 triệu đồng.

Doanh nghiệp này cho biết, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất các sản phẩm của công ty. Để bù đắp cho chi phí đầu vào tăng mạnh, các doanh nghiệp xi măng cũng phải tăng giá bán sản phẩm. Nhưng với Xi măng Hoàng Mai, việc tăng giá bán chưa theo kịp với đà tăng của chi phí đầu vào.

Trong khi đó, việc điều chỉnh giá bán xi măng đã giúp CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính trên quy mô vốn điều lệ hiện tại của công ty là hơn 1.235 tỉ đồng, con số lợi nhuận gần 18 tỉ đồng và kế hoạch cả năm là 74,2 tỉ đồng vẫn ở mức rất thấp.

Tiếp tục điều chỉnh giá bán xi măng

Theo đà tăng của chi phí đầu vào, mới đây, một số doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giá bán các sản phẩm xi măng để đảm bảo sự phát triển bền vững, bù vào chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá bán xi măng thêm 50.000 đồng

Cụ thể, Xi măng Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng giá bán 50.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91; Xi măng bao PCB30, PCB40.

Bên cạnh đó, giá xi măng rời PCB30, PCB40 (bao gồm cả xi măng đóng bao Jumbo, vỏ bao Jumbo của khách hàng) của Xi măng Vicem Bút Sơn cũng tăng 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) kể từ ngày 6/5.

Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn cũng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời tăng thêm 70.000 đồng/tấn; giá xuất khẩu xi măng và clinker tăng 95.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 10/5.

Theo doanh nghiệp này, việc điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng căn cứ vào tình hình thực tế. Hiện nay, các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất clinker, xi măng nên doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.

Cùng có sự điều chỉnh giá bán xi măng trong giai đoạn này còn có Xi măng The Vissai. Cụ thể, doanh nghiệp này thông báo tăng giá đối với các sản phẩm xi măng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn kể từ ngày 10/5.

Trước đó, nhiều nhà sản xuất xi măng trong nước cũng đã thông báo tăng giá bán xi măng từ ngày 20/3, với mức tăng phổ biến 100.000 đồng/tấn sản phẩm. Trong quý 1.2022, giá xi măng tăng từ 30.000-50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 1-3% so với quý 4/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Cạnh tranh trong thị trường nội địa

Áp lực dư cung khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng ngày càng gay gắt

Bên cạnh đà tăng như vũ bão của chi phí đầu vào, các doanh nghiệp ngành xi măng còn đối diện với tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

Kể từ đầu năm 2022, trong khi xi măng có 2 lần tăng giá lớn thì thép xây dựng đã liên tục điều chỉnh tăng giá 7 lần. Theo như các chuyên gia trong ngành ước tính thép và xi măng thường chiếm tới 15- 20% tổng chi phí xây dựng.

Do đó, việc tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép và mới đây là xi măng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ tại các dự án xây dựng ở cả 3 phân khúc xây dựng dân dụng, nghỉ dưỡng và hạ tầng, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến.

Hiện nhu cầu nội địa đang dần được phục hồi, nhưng dưới 65 triệu tấn, cộng với tình trạng dư cung, khiến cạnh tranh tiêu thụ trong ngành xi măng vẫn tiếp diễn theo chiều gay gắt trong thời gian tới.

Dự báo năm 2022, lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do triển khai thi công nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, áp lực nhiên liệu đầu vào tiếp tục ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xi măng.

Chủ đề: Doanh nghiệp xi măng,
  • Tìm cách chặn đà tăng giá sắt thép, xi măng

    Tìm cách chặn đà tăng giá sắt thép, xi măng

    Để hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn thị trường này.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.