18/04/2024 10:42 AM
Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, ngành xi măng cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất… để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thời gian qua, các doanh nghiệp xi măng trong nước gặp rất nhiều khó khăn.

VNCA cho biết, ngành xi măng Việt Nam sản xuất được hầu hết các loại xi măng phục vụ cho xây dựng, bao gồm xi măng cho công trình biển đảo, bơm trám các giếng dầu, khí, xi măng cho xây dựng lò cao công nghiệp ở nhiệt độ cao…

Từ năm 2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ xi măng liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó. Hiện cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Doanh nghiệp xi măng muốn được giãn nợ, giảm lãi suất

Các doanh nghiệp xi măng cho hay, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng nước ta, điển hình là Phillipines, Bangladesh. Tại Phillipines, nước này vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á...

Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ, chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu clinker trong nước phải chịu thuế 10% từ 1/1/2023.

Dư cung lớn, tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều rất chậm và giảm sâu, nhiều doanh nghiệp khó về tài chính, VNCA đã phải cầu cứu Chính phủ và các Bộ ngành về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành.

THAM KHẢO: BẢNG GIÁ XI MĂNG MỚI NHẤT 2024

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, VNCA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng; ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bãi bỏ thuế xuất khẩu với clinker.

Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, VNCA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% (như mức thuế trước năm 2023) và được khấu trừ VAT.

“Bãi bỏ thuế xuất khẩu với clinker là sự hỗ trợ của Nhà nước với ngành xi măng trong lúc rất khó khăn. Việc này tránh các doanh nghiệp bị phá sản, gây hệ lụy khôn lường nếu thiếu xi măng trong những năm tới”, VNCA lý giải.

Tiêu thụ chậm đang là vấn đề lớn nhất của ngành xi măng, nhất là thị trường nội địa chỉ hấp thụ khoảng 60 triệu tấn sản phẩm/năm. Do đó, VNCA đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp.

Bởi, công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua như khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long… Đồng thời, đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.

“Đây là giải pháp mang lại rất nhiều lợi ích”, VNCA nhấn mạnh.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.