Các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam được kỳ vọng có thể bù đắp nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2024.

Thị trường dự báo ấm dần lên

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán SSI nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm nay nhờ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với một số rủi ro nội tại, đặc biệt là việc thị trường bất động sản hồi phục chậm có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới tiêu dùng cũng như làm gia tăng nợ xấu đối với ngành ngân hàng.

Các dự án đầu tư công lớn trong giai đoạn 2023-2025

Năm 2024, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua là 677.300 tỷ đồng, cao hơn 18% so với kế hoạch năm 2023 và chưa tính phần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Giả định rằng 95% kế hoạch năm 2023 sẽ được giải ngân và khoảng 40.000 tỷ đồng được chuyển từ Chương trình phục hồi, thì tổng chi cho cơ sở hạ tầng cho năm nay có thể đạt 710.000 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình 5 năm qua.

SSI đánh giá, điểm mới của năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong 3 năm với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Đợn cử như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc.

Sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa và xuất khẩu

Với ngành xi măng, SSI cho rằng các doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu trong nước suy giảm, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu, thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại...

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) tiêu thụ xi măng của cả nước trong năm 2023 đạt gần 90 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu dùng nội địa giảm 10% và xuất khẩu gần như đi ngang so với năm ngoái.

Với việc sản lượng tiêu thụ sụt giảm, doanh thu thuần của các doanh nghiệp xi măng giảm từ 20-27% so với cùng kỳ.

SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng sẽ chạm đáy trong quý đầu năm 2024 và dần phục hồi trở lại trong thời gian tới. Cụ thể, đơn vị này dự báo mức tiêu thụ xi măng trong quý 1/2024 sẽ ở mức thấp kể từ quý 3/2021 do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu.

Tuy nhiên, kể từ quý 2/2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.

Về xuất khẩu, SSI cho rằng tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua, xuất khẩu xi măng và clinker gần như đi ngang do Trung Quốc giảm nhập khẩu khoảng 90% sản lượng do nhu cầu trên thị trường bất động sản yếu.

Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất sẽ khiến giá xi măng giảm mạnh?

Theo VNCA, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu. Hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, điều này dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất sẽ khiến giá xi măng giảm mạnh thời gian tới

Hiện nay, cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106 triệu tấn/năm nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm.

Công suất trong nước đã được mở rộng trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2022, công suất toàn ngành tăng thêm 4,5% khi có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động, gồm dự án xi măng Xuân Thành 3, dự án xi măng Long Thành và dự án xi măng Đại Dương 1.

Tới năm 2023, công suất sản xuất xi măng trong nước tiếp tục tăng thêm 6,1%. Theo đó, SSI ước tính tình trạng dư cung toàn ngành xi măng đã tăng từ 15% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023.

Cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Trình trạng này đặc biệt xảy ra tại thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Trên thực thế, giá bán xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.

SSI cho rằng, áp lực gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh trong nước có thể khiến giá xi măng giảm mạnh trong thời gian tới.

Cũng trong năm 2024, giá than đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng được dự báo sẽ giảm do mức nền giá than cao được thiết lập trong nửa đầu năm 2023.

Theo đó, SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ chạm đáy trong quý 1/2024, sau đó cải thiện dần trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể sẽ vẫn yếu (thấp hơn năm 2022) do sản lượng tiêu thụ phục hồi chậm và chi phí quản lý và bán hàng không thay đổi.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.