Sau vụ Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Theo Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), sau vụ hơn 10.000 tỉ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua kênh này.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 vừa qua chỉ phát hành 820 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26.000 tỉ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn được vận hành tương đối bình thường trong quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì hiện nay các doanh nghiệp đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Nếu so sánh theo quý, lượng phát hành trong quý 1 đã giảm hơn 74% so với quý 4/2021. “Điều này cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động hơn”, báo cáo của SSI Research cho biết.

Trong quý 1, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng khối lượng 38,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 62% tổng lượng phát hành và tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3, tức trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh.

Mua lại trái phiếu trước hạn

Báo cáo của SSI Research cho biết hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 12.800 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1.

Tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được nhìn thấy tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu, bao gồm cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng chủ yếu được quan sát thấy trong tháng 1 (chiếm 51,8% tổng lượng phát hành).

Đa số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 2 tháng trở lại đây là những doanh nghiệp niêm yết lớn, hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ Ủy Ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước.

Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1/2022 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm khoảng 77% khối lượng phát hành, trái phiếu kỳ hạn từ hơn 3 năm đến 5 năm chiếm 9,3% và 6% và còn lại là trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm.

Theo SSI Research, một xu hướng tương đối rõ nét trong giai đoạn phát triển mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm trở lại đây là tỷ trọng các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu tương đối cao so với các ngành khác.

Trong năm 2021, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ khoảng 94.600 tỉ đồng, tức chiếm khoảng 26,5% tổng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Trong số những doanh nghiệp không niêm yết, các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn khi tổng khối lượng phát hành lên tới 33.500 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng khối lượng phát hành trong quý 1.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.