Ảnh minh hoạ
Giới quan sát nhận định tình trạng thổi giá quá đà đã đẩy giá nhà đất lên quá cao, khiến cho một số phân khúc bị “đóng băng”, không có giao dịch.
Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường bất động sản vẫn đang bị siết chặt, các kênh dẫn vốn khác cũng bị kiểm soát gắt gao hơn khiến cho doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, không bán được hàng, không đủ chi phí vận hành bộ máy.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phải tự thân tìm cách “rã băng” cho chính mình thông qua các chính sách chiết khấu hấp dẫn nhằm thu hút dòng tiền từ người mua và đẩy nhanh thanh khoản.
Tại TP.HCM, một số dự án ở Thủ Đức đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 98%. Tức là nếu mua một căn hộ giá gốc là hơn 4,7 tỉ đồng thì người mua giờ chỉ cần trả khoảng 2,9 tỉ đồng.
Cách thức này cũng đang diễn ra tại Hà Nội, khi một số dự án chung cư sẽ giảm giá bán từ 15-35% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95%.
Đơn cử, thị trường ghi nhận một dự án tại Linh Đàm đã đưa ra chính sách chiết khấu lên tới 34-35% đối với người mua thanh toán vượt tiến độ 95% giá trị căn hộ. Như vậy, một căn hộ với giá 3,5 tỉ đồng, nếu thanh toán vượt tiến độ, giá chỉ còn 2,4 tỉ đồng.
Trên một số trang tin rao bán bất động sản thời gian vừa qua cũng xuất hiện dày đặc các thông tin rao bán cắt lỗ đất nền, nhà phố. Nhiều căn liền kề được rao bán cắt lỗ từ giá 16 tỉ xuống còn 15 tỉ nhưng vẫn chưa chốt được giao dịch.
Các loại hình bất động sản khác cũng đã được rao bán với mức giá giảm từ 5-15% tuỳ theo khu vực.
Cùng với việc chiết khấu, giảm giá để thu hút dòng tiền từ người mua, một số chủ đầu tư cũng đã tạm ngừng đầu tư dàn trải dự án mới để tái cấu trúc bộ máy và cơ cấu sản phẩm. Nhiều chủ đầu tư không có khả năng vượt qua giai đoạn biến động này sẽ buộc phải chuyển nhượng cổ phần hoặc bán sang tay dự án cho các chủ đầu tư tiềm lực hơn.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết thời gian qua một số dự án có giá mở bán quá cao so với mức hấp thụ của thị trường. Do đó, những điều chỉnh như hiện nay là nguyên lý vận hành của thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng các động thái dừng đầu tư dàn trải, ưu đãi giảm giá hoặc cắt lỗ hiện nay là giải pháp trước mắt để doanh nghiệp tự “giải cứu” chính mình khi việc tiếp cận nguồn vốn đang vô cùng khó khăn.
Trong quá khứ, khi thị trường gặp khủng hoảng, những chủ đầu tư nhạy bén, có tầm nhìn đều đã tìm hướng đi phù hợp để vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ, trở thành những tên tuổi lớn hiện nay.
Đây cũng là cơ hội để bất động sản quay về giá trị thực, sau một thời gian tăng nóng như vừa qua.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính, bất động sản Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing cho rằng kể cả với bất động sản có giá trị thực, nhà đầu tư vẫn cần xem xét kỹ bài toán tài chính.
“Phải tính đến trường hợp nếu lãi vay tiệm cận 18%/năm thì có trả nổi không, nếu không phải cắt lỗ bằng mọi cách”, ông Chuyền khuyến nghị.
Nói về những khó khăn chung thời điểm hiện tại, ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real, cho biết các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, lãi suất ngân hàng liên tục có xu hướng tăng cao khiến nhà đầu tư có phần “run tay”. Song, những người có sẵn tiền mặt vẫn đang thận trọng quan sát diễn biến thị trường, và các sản phẩm phù hợp vẫn được hấp thụ.
Ông Sơn cũng cho rằng thị trường trong nguy có cơ, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, những người có sẵn tiền mặt nên gửi tiền vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn, chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn, những cơ hội tốt để sở hữu được những sản phẩm có giá hợp lý.
-
Sử dụng đến cả các “quái vật tài chính”, Trung Quốc vẫn khó xử lý khủng hoảng bất động sản
Thay vì vậy, các “quái vật tài chính” này đang làm nổi bật hơn những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc thực hiện các phương án giải cứu thị trường bất động sản đang lâm vào khủng hoảng.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...