Thay vì vậy, các “quái vật tài chính” này đang làm nổi bật hơn những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc thực hiện các phương án giải cứu thị trường bất động sản đang lâm vào khủng hoảng.

Để ngăn chặn hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào hai thập kỷ trước, Bắc Kinh đã tạo ra một nhóm các ngân hàng chuyên xử lý những khoản nợ xấu nhất của quốc gia này. Trong đó, nhóm “Big Four” gồm China Cinda Asset Management, China Huarong Asset Management, China Great Wall Asset Management và China Orient Asset Management.

Khi thị trường bất động sản liên tục phải đối mặt với những cơn sóng dữ và đe dọa gây ra những bất ổn kinh tế ở diện rộng, các công ty xử lý nợ xấu này dĩ nhiên phải “tham chiến”. Vấn đề là bảng cân đối kế toán của “Big Four” đã trở nên quá mức cồng kềnh, khiến năng lực của họ bị hạn chế.

Chen Long, một đối tác góp vốn của công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh, coi các nhóm công ty này là “những quái vật tài chính”.

“Tôi không cho rằng họ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản”, ông nói.

Trong khi nhà phát triển “chúa chổm” Evergrande trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, thì căng thẳng tại các công ty xử lý nợ xấu cho thấy thách thức của Bắc Kinh trong việc thực hiện các phương án giải cứu.

Tình huống này cũng cho thấy hệ quả từ chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào vay nợ mà Trung Quốc đang tiến hành, vốn đã gây bất ổn cho các nhà phát triển mắc nợ nhiều và làm tăng rủi ro của các công ty quản lý tài sản khi tham gia tái cấu trúc nợ.

Được thành lập vào những năm 1990, “Big Four” đã phát triển vượt khỏi phạm vi nhiệm vụ ban đầu, trở thành những tập đoàn tài chính hùng mạnh nhờ việc xử lý các khoản nợ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huarong, công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc, đã được giải cứu vào năm 2021 sau khi trì hoãn việc tiết lộ khoản lỗ 16 tỷ USD trong nhiều tháng.

Trong khi đó, Great Wall dự kiến ​​sẽ tái cơ cấu nợ sau khi công ty này hoãn công bố báo cáo thường niên năm 2021 vào tháng 6 vừa qua, một tín hiệu khác cho thấy sự suy yếu của ngành tài chính bất chấp các dịch vụ của ngành này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Các vấn đề của Huarong đã khiến các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đô la của Trung Quốc lo lắng, khiến công ty này bị hạ xếp hạng tín dụng và nhận nhiều cảnh báo từ các cơ quan xếp hạng toàn cầu vào tháng 4 năm 2021.

Mặc dù giao dịch đã được phục hồi sau thông báo giải cứu thị trường từ chính phủ bằng cách lập một quỹ nhà nước trị giá 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD), nhưng các nhà đầu tư vẫn nhạy cảm về sức khỏe của các công ty xử lý nợ xấu của Trung Quốc. Họ đã bán trái phiếu một lần nữa vào tháng 7 sau khi Great Wall không thể công bố báo cáo. Trái phiếu vĩnh viễn (trái phiếu không kỳ hạn) trị giá 37 triệu USD của Huarong đã giảm từ 91 cent xuống còn 75 cent vào tháng 7 trước khi phục hồi về khoảng 79 cent vào tháng 8.

“Big Four” có tổng tài sản khoảng 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (740 tỷ USD) và đã giải quyết được 400 tỷ Nhân dân tệ nợ xấu trên thị trường bất động sản vào năm 2021, bằng 1/5 tổng giá trị tài sản, theo ước tính của Bank of China International.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu sự bất bình ngày càng gia tăng đối với các căn hộ chưa hoàn thiện, bao gồm cả việc tẩy chay trả nợ từ người mua nhà, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách huy động các khoản vay chính phủ từ một quỹ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ để khởi động lại các dự án đang bị đình trệ.

Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý cũng đã bàn bạc về kế hoạch giải cứu các công ty xử lý nợ xấu kể từ khi Evergrande vỡ nợ vào năm ngoái.

Hai công ty là Orient và Great Wall đã huy động tổng cộng 20 tỷ Nhân dân tệ từ trái phiếu vào tháng 3 để “giải quyết rủi ro của các dự án bất động sản chất lượng và giải cứu nợ xấu của ngành”, theo bản cáo bạch mà họ công bố.

Trong khi đó, Cinda đã cử một giám đốc điều hành tham gia vào hội đồng quản trị và một giám đốc điều hành khác tham gia vào ủy ban giải quyết rủi ro của Evergrande để hỗ trợ việc tái cơ cấu, hiện đang bị trì hoãn sau khi tập đoàn này bỏ lỡ thời hạn đưa ra kế hoạch xử lý khoản nợ 300 tỷ USD vào ngày 31/7 vừa qua. Những nhà phát triển đang mắc nợ nhiều như Sunac China Holdings và Fantasia Holdings cũng đang tích cực trao đổi với các công ty xử lý nợ xấu để có những kế hoạch giải cứu khả thi nhất. Các quỹ hỗ trợ cấp thành phố cũng đã được thành lập dưới sự hỗ trợ của các công ty xử lý nợ xấu này.

David Yin, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao tại Moody’s Investors Service, cho biết các công ty xử lý nợ xấu sẽ thận trọng và chọn lọc khi đề xuất quy mô giải cứu.

Xiaoxi Zhang, nhà phân tích về tài chính Trung Quốc của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết nhóm các công ty xử lý nợ xấu có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng bất động sản. Họ là chủ nợ lớn của các nhà phát triển vì lĩnh vực bất động sản chiếm từ 25% đến 42% tổng tài sản nợ.

Zhang cho biết trong một báo cáo gần đây: “Những vụ vỡ nợ liên tiếp của các nhà phát triển cho thấy tác động của cuộc suy thoái bất động sản lên các tổ chức tài chính. Các cơ quan quản lý đã thúc đẩy các công ty xử lý nợ giảm mức độ tiếp xúc với ngành bất động sản, nhưng đây vẫn là lĩnh vực lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ”, bà nói thêm.

Zhang nhận định Huarong và Great Wall là những công ty tham gia nhiều nhất vào lĩnh vực bất động sản vì họ phụ thuộc nhiều vào tài sản nợ để tạo ra doanh thu hơn so với Cinda và Orient.

Tuy nhiên, ngay cả Cinda cũng đã cảnh báo rằng lợi nhuận 6 tháng của công ty này sẽ giảm từ 30% đến 35% bởi vì “một số tài sản tài chính lớn được tính theo giá phân bổ do công ty chủ quản đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn”. Vào tháng 5, Moody’s đã hạ mức độ tín dụng của Cinda với lý do “ngày càng có nhiều rủi ro phát sinh từ mức độ tiếp xúc quá lớn của Cinda với thị trường bất động sản”.

Trong bối cảnh này, các công ty xử lý nợ xấu nhỏ hơn hoạt động tại các tỉnh sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn trong việc giải cứu thị trường bất động sản do mối quan hệ chặt chẽ của họ với chính quyền địa phương.

Một quản lý của công ty xử lý nợ xấu ở tỉnh Giang Tây cho biết, một số công ty quản lý tài sản tại địa phương có thể góp phần phục hồi của thị trường bằng cách đầu tư vào trái phiếu liên quan đến các dự án nhà ở chưa hoàn thành.

Ông mô tả đây là một cách tiếp cận nhanh chóng, với mục tiêu “sẽ bàn giao nhà trong khoảng sáu tháng”.

Một lựa chọn thứ hai đang được cân nhắc là các tổ chức xử lý nợ xấu sẽ thành lập công ty liên danh với các nhà phát triển mới hoặc các tập đoàn xây dựng bên thứ ba để tiếp quản và tái cấu trúc các dự án, cuối cùng là loại bỏ các nhà phát triển hiện tại. Nhưng những giao dịch này rất khó thực hiện và có thể mất từ ​​hai đến ba năm để hoàn thành.

“Nhìn chung, các công ty xử lý nợ xấu đang phải đối mặt với những thách thức của riêng họ. Do giới hạn vốn và áp lực từ chất lượng tài sản ở thời điểm hiện tại, họ khó có thể đầu tư lớn vào lĩnh vực bất động sản. Còn dưới góc độ thương mại, họ cũng khó thu về lợi ích gì khi rót vốn các dự án bất động sản nợ nần ở các thành phố nhỏ hơn”, chuyên gia Yin từ Moody’s nói.

Lam Vy (FT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.