Bên cạnh những nỗ lực chung đã đạt được và sự ghi nhận của quốc tế thì việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, tồn tại có liên quan.

Tỉnh Bình Phước cũng đã phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công

Những điểm sáng

Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 2353/BXD-PTĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững.

Theo đó, thống kê đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Bộ Xây dựng cho biết, việc phát triển các tiện ích thông minh đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và trải nghiệm của người dân.

Ở đó, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như, sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt, học sinh có thể học tại trường chất lượng, tỉ lệ tội phạm thấp,…

Một số địa phương tiêu biểu đã phát triển tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân như TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh vào năm 2014 và triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh về giao thông, giáo dục, y tế,…

Tỉnh Bình Phước cũng đã phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công. Hiện tỉnh xếp thứ nhất cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh việc phát triển các tiện ích thông minh thì việc công khai quy hoạch, tra cứu thông tin quy hoạch và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị thông minh cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

Đơn cử các tỉnh Bình Dương, Bình Phước cũng đã xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh là nền tảng cho phát triển đô thị thông minh. Tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống GIS quản lý thông tin địa lý trên quy mô toàn tỉnh với dữ liệu ở các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thông tin nhà ở và bất động sản, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tương tự, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu ở 12 phường và 4 xã được công bố trên cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt tại địa chỉ https://quyhoach.dalat.vn và phần mềm trên thiết bị di động ‘thông tin quy hoạch Đà Lạt’.

Việc công bố công khai quy hoạch đang được thực hiện ở nhiều địa phương. Theo đó, các dữ liệu về quy hoạch đô thị đã cho phép người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, đẩy mạnh tính minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân.

Cũng theo Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh việc triển khai đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận để triển khai thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng ra quy mô toàn tỉnh.

Có thể kể đến như thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;…

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu ở 12 phường và 4 xã được công bố trên cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố

Nhiều khó khăn

Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh. Các dự án được đề xuất tại một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nhiều dự án chủ yếu đang ở bước chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất như, dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội được tổ chức động thổ và công bố dự án vào năm 2019, với quy mô khoảng 271,45 ha; dự án khu công viên phần mềm tại huyện Đông Anh, Hà Nội với quy mô 78,14 ha.

Bên cạnh đó còn có một số dự án đang từng bước triển khai xây dựng, bước đầu có lồng ghép một số yếu tố thông minh.

Có thể kể đến như, dự án khu đô thị công nghệ cao FPT Đà Nẵng (do FPT làm chủ đầu tư); dự án khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Đà Nẵng (do Trung Nam Group làm chủ đầu tư); dự án thành phố thông minh tại phân khu mới của Ecopark; dự án Vinhomes Smart City tại Hà Nội do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư,…

Bộ Xây dựng nhận định, về cơ bản, việc đề xuất các khu đô thị thông minh và triển khai của một số nhà đầu tư còn gặp khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách đầu tư, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh dẫn tới băn khoăn, lúng túng của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Vấn đề không dễ tiếp cận

Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển đô thị thông minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng.

Bên cạnh đó, việc triển khai hiện nay vẫn đang thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin,… Trong khi đó chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng đô thị thông minh.

Ngoài ra, chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển đô thị thông minh, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực. Đồng thời chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước và các hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, doanh nghiệp.

Chưa hết, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh còn hạn chế về số lượng.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; các nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh bền vững; những công việc có liên quan đến việc tổ chức triển khai.

Trong đó, đối với các nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh bền vững cần tập trung vào các nhiệm vụ để triển khai trọng tâm xây dựng đề án 950 được phê duyệt năm 2018 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, là các địa phương phải chủ động xác định những vấn đề của mình để xem xét nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình và xác định thứ tự ưu tiên trong triển khai.

Cùng với đó, các nội dung triển khai đô thị thông minh phải hướng đến phục vụ người dân, cần được đề xuất thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cách người dân tương tác với chính quyền,…

Đối với việc tổ chức triển khai, Bộ Xây dựng yêu cầu việc phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam cần có sự thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Trong đó, cơ quan Trung ương chỉ xây dựng chính sách, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển. Đồng thời, các địa phương phải chủ động trong triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình,…

Ngày 27/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Công văn số 4712/VPCP-CN về việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc phát triển đô thị thông minh bền vững.

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về việc phê duyệ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Đề án đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.