Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 765 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 12 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 58 đô thị loại IV và 632 đô thị loại V. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nghị định 11/CP nhằm điều chỉnh tổng thể các bất cập trong lĩnh vực đô thị hóa để khắc phục tình trạng tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch chống lãng phí nguồn lực. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị phân tích, hầu hết các địa phương căn cứ quy hoạch chung được phê duyệt để “mời chào” nhà đầu tư đổ tiền xây dựng theo “vết dầu loang”, đầu tư mà không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch và kế hoạch, dẫn đến đầu tư dàn trải theo “phong trào”, thiếu đồng bộ, không khớp nối được hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát điện nước, xử lý chất thải cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…
Một số chuyên gia trong nước và nước ngoài đã từng lên tiếng tại các hội thảo về thực trạng phát triển ồ ạt các khu đô thị mới ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn. “Bức tranh” đô thị hóa, nhìn ở tầm cao cả nước đã được nhiều ý kiến cảnh báo sự chắp vá, tự phát, tùy tiện và ngẫu hứng đã khiến cho diện mạo đô thị của từng tỉnh, thành phố cũng như bộ mặt đô thị cả nước méo mó, lệch lạc, nham nhở. Có thể nói, “phong trào” đô thị hóa trong khoảng hai chục năm qua không để lại một ấn tượng nào về bộ mặt đô thị mới của từng địa phương.
Lác đác ở TP.HCM hoặc Hà Nội hay Đà Nẵng chỉ được một vài khu đô thị tạo “điểm nhấn” đáng ghi nhận là sản phẩm đô thị hóa xứng tầm và chuẩn mực khu vực và châu lục. Sự ra đời của Nghị định 11/CP, theo nhận xét của các nhà quy hoạch đô thị, quả thật là khá chậm trễ khi mà trào lưu đô thị hóa vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là những đô thị mới đã “trót” mọc lên trên khắp cả nước sẽ điều chỉnh, sửa sai ra sao? Đô thị mới thì như thế, trong khi những khu chung cư cũ vẫn tồn tại như một nghịch cảnh không dễ gì thay đổi. Ngay ở Hà Nội, hiện còn tới 982 chung cư cũ 4-5 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể do các doanh nghiệp quản lý. Từ năm 2008, việc cải tạo chung cư cũ đã được xã hội hóa. Tại một số dự án được thực hiện giai đoạn trước, với những chính sách ưu đãi các chủ đầu tư đã áp dụng cơ chế có lợi cho người dân. Tuy vậy, gần 3 năm nay, các dự án cải tạo chung cư cũ trên toàn thành phố hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến độ là khó cân đối quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Làm sao đảm bảo bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho doanh nghiệp, cải thiện diện tích nhà ở cho người dân trong khu vực lõi đô thị nhưng lại giảm mật độ dân số, quả là rất khó khả thi.
Đô thị hóa… quá đà, chạy theo phong trào, trong khi chung cư cũ nát cần phải cải tạo, xây mới lại gặp nhiều vướng mắc không được tháo gỡ. Đây thực sự là bài toán “đau đầu” đối với các nhà quy hoạch, quản lý đô thị.
-
“Lấy đất của người chết bán cho người sống” làm… căn hộ
Toàn bộ nghĩa trang Ao Đường (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nằm trong quy hoạch, phải di dời để thực hiện dự án di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất...
-
Giải cứu bất động sản hay là lại “thổi bóng”?
Dẫu hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, là việc mà Chính phủ không thể không làm, nhưng hiện có không ít ý kiến băn khoăn. Vì với một lĩnh vực hiện đang còn tồn tại quá nhiều “góc khuất” như thị trường bất động sản, thì việc giải cứu, không cẩn trọng, sẽ chỉ là đổ tiền cứu nhà giàu và thổi lại bong bóng bất động sản mới, nền kinh tế không thu được lợi gì và cả người dân cũng vậy.
-
Cứu BĐS: Chuyển ế qua nhà xã hội?
Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đưa ra một số giải pháp giải cứu thị trường BĐS. Điều này mang lại hy vọng sẽ thức đẩy thị trường này khởi sắc. Tuy nhiên, ngay từ đầu nó đã cho thấy nhiều rắc rối sẽ phát sinh.