Mấy ngày qua, nhiều điểm giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do đã ngừng hoạt động nhằm ứng phó với các biện pháp siết chặt quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân Tiến sỹ Nguyễn Văn Công cho rằng, muốn giảm dần những tác động tiêu cực của thị trường ngoại tệ tự do đối với nền kinh tế thì cần phải có những biện pháp điều hành và quản lý ngoại tệ cởi mở và mang tính thị trường nhiều hơn.

alt

- Chúng ta phải thừa nhận một điều trong bối cảnh cụ thể của nền kinh tế hiện nay thì sự tồn tại của thị trường ngoại tệ tự do là một thực tế khó tránh khỏi. Trong thời gian vừa qua, những nhu cầu về ngoại tệ chính đáng của người dân đã không được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngay cả các doanh nghiệp kể cả nhà nước lẫn tư nhân, nếu như không nằm trong hạng mục được ưu tiên thì không phải lúc nào cần ngoại tệ cũng có thể được hệ thống ngân hàng đáp ứng ngay. Điều này khiến thị trường tự do ngày càng phát triển. Thị trường tự do có mặt tích cực là bổ sung cho thị trường chính thức. Nhưng hoạt động trên thị trường này mang tính đầu cơ nhiều quá nên đã gây ra những tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tác động bất lợi tới sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế trong dài hạn.

- Việc thị trường ngoại tệ tự do trong những ngày qua đóng băng, tạm ngừng giao dịch nên nhìn nhận như thế nào?

Có thể thấy việc các quầy kinh doanh ngoại tệ ngừng giao dịch trong những ngày vừa qua là phản ứng nghe ngóng ban đầu của thị trường trước những biện pháp siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng. Việc thị trường ngoại tệ tự do có tồn tại hay không tồn tại không phải là điều quan trọng. Mấu chốt để giải quyết những bất cập vừa qua đối với thị trường ngoại tệ là giải quyết bài toán cung cầu ngoại tệ. Khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu mua bán USD, hệ thống ngân hàng phải đáp ứng được nhu cầu này và giá mua bán phải hợp lý theo tín hiệu thị trường. Có như vậy thì không cần đến các mệnh lệnh hành chính, thị trường ngoại tệ tự do sẽ tự thu hẹp lại thậm chí sẽ không thể tồn tại được.

- Nếu như chúng ta không có sự thay đổi căn bản trong chính sách về quản lý ngoại hối và đưa ra các biện pháp hành chính nhằm cấm thị trường ngoại tệ tự do hoạt động thì thị trường tự do sẽ khó có thể hoạt động như trước. Nhưng giao dịch ngoại tệ sẽ đi vào thị trường ngầm và lúc này vấn đề sẽ còn nan giải hơn rất nhiều. Thị trường và người dân có thể sẽ ngầm hiểu rằng những biện pháp điều tiết về kinh tế không còn tác dụng và các cơ quan chức năng buộc phải dùng đến biện pháp hành chính. Biện pháp hành chính chỉ là biện pháp cuối cùng, không hiệu quả về lâu về dài và cái giá phải trả sẽ rất lớn. Muốn giảm dần những tác động tiêu cực của thị trường ngoại tệ tự do đối với nền kinh tế thì cần phải có những biện pháp điều hành và quản lý ngoại tệ cởi mở và mang tính thị trường nhiều hơn. Hệ thống ngân hàng phải thực sự là một trung gian giữa người mua và người bán. Ai có ngoại tệ cần bán thì ngân hàng sẵn sàng mua. Và ai cần mua ngoại tệ thì ngân hàng cũng sẵn sàng bán.

- Trong khi thị trường ngoại tệ tự do tạm dừng hoạt động, nhiều người lo lắng rằng người dân và doanh nghiệp để có thể mua được USD sẽ phải chịu thêm những mức phí của các ngân hàng?

- Lo ngại này không phải là mới. Không phải chỉ có thị trường tự do mới có hiện tượng đầu cơ mà ngay trong hệ thống ngân hàng thì hoạt động của nhiều ngân hàng cũng mang tính đầu cơ, chủ động làm giá, lợi dụng đục nước béo cò, ép doanh nghiệp mua USD với giá rất cao. Theo quy định của nhà nước, giá bán USD phải nằm trong phạm vi quy định, tỷ giá bình quân liên ngân hàng cộng trừ 1%. Ngân hàng vẫn ghi như thế nhưng lại tính một loạt các phí đẩy giá USD lên cao. Chính bản thân các ngân hàng cũng không gương mẫu thực hiện các quy định của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước trước hết phải có những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này.

- Tiến sỹ có cho rằng khi thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp thì doanh nghiệp và người dân sẽ bán USD cho các ngân hàng không?

- Vừa qua, tuy thị trường ngoại tệ tự do chỉ chiếm 10% so với toàn bộ thị trường nhưng do giá USD trên thị trường tự do được nâng lên quá cao, doanh nghiệp và người dân không bán USD trên thị trường liên ngân hàng mà chỉ bán cho thị trường tự do. Việc kiểm soát và thu hẹp thị trường tự do có thể khiến dòng ngoại tệ chảy vào các ngân hàng. Tuy nhiên người dân và doanh nghiệp chỉ bán USD cho ngân hàng khi các ngân hàng đáp ứng tốt được nhu cầu USD của người dân và doanh nghiệp khi họ cần.

- Có quan điểm cho rằng nên xóa bỏ ngay thị trường ngoại tệ tự do?

- Trước mắt, tôi nghĩ phải để thị trường tự do tồn tại. Sự tồn tại này là tất yếu. Vấn đề là cần có sự thanh tra giám sát mạnh mẽ hơn nữa để làm sao hoạt động của thị trường này lành mạnh, tránh tình trạng đầu cơ. Phải có những quy định bằng văn bản rất cụ thể, có chế tài cụ thể và phải hướng dẫn thực hiện rất cụ thể. Một mình Ngân hàng Nhà nước sẽ khó có đủ sức để thanh tra, kiểm soát thị trường. Cần có sự vào cuộc của thanh tra thị trường, của lực lượng cảnh sát..., có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Thị trường ngoại tệ là một thị trường đặc biệt nhưng cũng tương tự như nhiều thị trường khác. Các thị trường khác chúng ta kiểm soát tốt thì thị trường này chúng ta cũng sẽ kiểm soát được.

- Xin cám ơn Tiến sỹ!

tag: thi truong ngoai te, dieu chinh ty gia

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland