Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), trong tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp sản xuất được 619.000 tấn thép thô, giảm 3% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 635.000 tấn, tăng 7% so với tháng 9. Riêng mặt hàng HRC ghi nhận trên 273.000 tấn, tăng 17%.
Đáng chú ý, bán hàng thép cuộn cán nóng Hòa Phát trong giai đoạn này đạt hơn 273.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước và là mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Sản lượng sản xuất thép thô Hòa Phát trong tháng 10 giảm 3% so với tháng trước, đạt mức 619.000 tấn
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, kết quả bán hàng sản phẩm HRC tháng qua đạt mức cao chủ yếu nhờ nhu cầu các sản phẩm hạ nguồn tại thị trường miền Nam và xuất khẩu tốt hơn so với tháng 9.
Cụ thể, các sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát trong tháng 10 như ống thép, tôn mạ cũng tăng lần lượt là 11% và 25% so với tháng trước đó, đạt sản lượng 54.000 tấn và 26.000 tấn.
Với sản phẩm thép xây dựng, thép chất lượng cao, nhà sản xuất này đã cung cấp ra thị trường 339.000 tấn, giảm 4% so với tháng 9. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đóng góp 110.000 tấn, tăng 23%. Tập đoàn thông tin, đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, Hòa Phát có những đơn đặt hàng xuất khẩu phôi thép ra thị trường quốc tế.
Trước đó. thông tin từ Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, Hòa Phát đã ngưng hoạt động 1 lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương trong tháng 10.
Để chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động lò này, Hòa Phát đã tăng tốc sản xuất thép thô trong quý 3/2023 để tích trữ thành phẩm cho quý cuối năm. Theo đó, sản lượng sản xuất thép trong quý 3 vừa qua đạt 1,95 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Được biết, Hòa Phát hiện đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm, dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Ngoài ra, còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Trong đó, Khu liên hợp gang thép Hải Dương có tổng công suất là 2,5 triệu tấn/năm. Riêng lò cao mà nhà sản xuất thép này dừng hoạt động có công suất 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 14% tổng công suất toàn hệ thống.
Phía Hòa Phát cho biết, việc tạm đóng lò cao trên nhằm mục đích đại tu, bảo dưỡng, chuẩn bị cho các đợt sản xuất mới vào năm 2024.
Lũy kế 10 tháng, doanh nghiệp đầu ngành thép này đã sản xuất 5,43 triệu tấn thép thô, giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 5,25 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ.
Cụ thể, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 2,9 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực…), giảm 21%, trong đó, xuất khẩu đóng góp 600.000 tấn, giảm 44%.
Ngoài ra, nhà sản xuất này còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 2,25 triệu tấn thép HRC, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm ống thép đạt sản lượng 543.000 tấn và tôn mạ các loại đạt 266.000 tấn, lần lượt giảm 13% và 3% so với sản lượng bán hàng 10 tháng đầu năm 2022.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2023, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 84.570 tỷ đồng doanh thu và 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 27% và 63% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 56% về doanh thu và gần 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.
-
Những dự án trọng điểm giúp tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy thép Việt Nam
Trong tháng 9/2023, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 352.000 tấn, mức cao nhất từ đầu năm, một phần nguyên nhân là nhờ các dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ.
-
Sau tuyên bố “NHƯỜNG SÂN” của ông chủ Hòa Phát, thị phần ngành thép 2024 đang được phân chia ra sao?
Mặc dù đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thời gian tới, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản....
-
Là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm 15-20% chi phí xây dựng, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng có thể tăng 7% lên 590 USD/tấn.
-
Triển vọng của ngành thép trong năm 2025: Chờ đợi cú hích từ đầu tư công
Năm 2025 được dự đoán là giai đoạn đầy triển vọng cho ngành thép nội địa Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế, nhu cầu đầu tư hạ tầng gia tăng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành thép đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ....