Thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2012 được xem là “đáy của khủng hoảng”, song cũng từ sự khó khăn đó đã nảy sinh ra vô số câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt.

Những chuyện bi hài của địa ốc Hà Nội trong năm qua đều xuất phát từ sự khó khăn, trầm lắng của thị trường.

Điều đáng nói hơn khi những câu chuyện này lại chính là những tâm điểm, gây sự chú ý của giới đầu tư, thậm chí là tạo nên những cú “sốc” lớn cho cả khách hàng lẫn chủ dự án trong bối cảnh mua bán nhà đất èo uột trong suốt một năm qua.

“Xin các bác đến nhận nhà cho”

Đầu tháng 10 vừa qua, giới đầu tư bất động sản khá ngạc nhiên trước thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (chủ đầu tư dự án FLC Landmark Tower) ra thông báo “khách hàng không đến thanh toán nốt 30% giá trị căn hộ thì công ty sẽ tiến hành thanh lý căn hộ nhằm mục đích thu nợ”.

Động thái bất đắc dĩ trên của FLC là bởi, sau nhiều lần gửi thông báo nộp tiền đợt cuối, vẫn có rất nhiều khách hàng tỏ ra không hợp tác bằng cách không đến nộp 30% số tiền còn lại cho công ty để nhận bàn giao nhà, mặc dù dự án này được chủ đầu tư cho biết đã “nỗ lực hết mình” để hoàn thành.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC, doanh nghiệp này đã cho lập hẳn một tổ xử lý công nợ để vào cuộc và có nhiều hành động như gọi điện đôn đốc khách hàng, gia hạn thanh toán mà không tính phạt lãi suất theo quy định của hợp đồng… Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn những khách hàng không hợp tác và làm khó chủ đầu tư.

Tình trạng “mời khách đến nhận nhà” không chỉ xảy ra đối với FLC, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Đô thị An Hưng - chủ đầu tư dự án An Hưng (Lê Văn Lương, Hà Đông) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau 4 năm triển khai dự án An Hưng đã bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng từ giữa năm 2012.

Thế nhưng, cũng vì mục đích có thể sớm bàn giao nhà theo đúng cam kết trong hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư đã phải nỗ lực hết sức tập trung nguồn lực, chủ động thu xếp dòng tiền để triển khai dự án. Thậm chí, để sớm làm sổ đỏ cho khách hàng, chủ đầu tư dự án An Hưng đã phải trích nộp thêm gần 200 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất bị cơ quan thuế tính lại.

Tuy nhiên, trái ngược với những cố gắng này, thì khách hàng lại tỏ ra rất thờ ơ khi đến thời điểm nhận nhà, nhiều nhà đầu tư, khách hàng không đến nhận. Bởi, nhận nhà đồng nghĩa với việc phải nộp thêm khoảng thêm 10-20% số tiền còn lại, không phải ai cũng có tiền để nộp. Thực tế này đã vô tình khiến Công ty An Hưng trở thành chủ nợ bất đắc dĩ.

Tương tự, dự án tổ hợp chung cư Văn Phú - Victoria (khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn, Hà Đông) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong bối cảnh, hàng loạt các dự án chung cư quanh khu vực dừng triển khai vì chủ đầu tư không còn tiền, thì chủ đầu tư dự án Văn Phú - Victoria vẫn ưu tiên tập trung nguồn tài chính để thi công dự án. Hiện, 3 tòa nhà chung cư 39 tầng vừa mới chính thức làm lễ cất nóc. Tổng số vốn rót cho dự án đã lên khoảng 1.800 tỷ đồng.

Những tưởng những nỗ lực của mình sẽ được khách hàng hoan nghênh, khen ngợi nhất là khi hàng loạt dự án chung cư đang bị dừng triển khai thậm chí nhiều chủ đầu tư dự án còn dùng tiền khách hàng sử dụng vào việc khác. Thế nhưng, có vẻ như mọi thứ lại không như kỳ vọng khi nhiều nhà đầu tư lướt sóng không có tiền để nộp theo tiến độ đã cam kết trong hợp đồng và luôn tìm mọi cách chây ỳ không chịu nộp tiền.

Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest cho biết, thực tế có một tỷ lệ không nhỏ nhà đầu tư “lướt sóng” đã mua nhà dự án Văn Phú nhưng do thị trường chung cư giảm giá, không kịp thoát hang, do vậy không có tiền để nộp tiếp theo tiến độ.

“Đối với những khách hàng không tuân thủ các cam kết đã ký, chúng tôi buộc phải có biện pháp xử lý như là áp dụng các điều khoản phạt nặng, và tính lãi suất theo như các điều khoản đã ký trong hợp đồng”, ông Toàn nhấn mạnh.

Chậm tiến độ cũng không dám kiện

Trong vài ba năm trở lại đây, do thị trường trầm lắng, kinh tế khó khăn, tình trạng chậm tiến độ hầu như diễn ra tại hầu hết các dự án. Lẽ dĩ nhiên, khi đến kỳ bàn giao nhà mà chủ đầu tư vẫn sai hẹn, phần lớn khách hàng sẽ đâm đơn kiện. Việc kiện cáo chậm tiến độ, sai thiết kế, vật liệu cũng xảy ra như chuyện thường ngày ở huyện tại khắp các dự án.

Tuy nhiên, có hai dự án khá nổi tiếng với những slogan khá mĩ miều, được nhiều người dân Thủ đô nghe quen đến thuộc lòng, cũng rơi vào tình cảnh chậm tiến độ, song khách hàng lại không dám đâm đơn kiện.

Lý giải cho nguyên nhân này, một khách hàng đã trót mua căn hộ của tại một dự án do một doanh nghiệp “anh em họ Sông Đà” làm chủ đầu tư, cho hay, hiện chủ đầu tư đã chậm tiến độ hơn 1 năm và cũng chưa có động tĩnh gì về việc tiếp tục triển khai dự án.

Nhưng, thay vì phát đơn kiện, một tỷ lệ khách hàng tại dự án đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi được đích thân ông Chủ tịch nhắn tin riêng cho từng người rằng “trong tuần này em sẽ trả anh 50 triệu, 100 triệu tiền vốn góp, tiền phạt”.

Còn với một dự án khá tiếng tăm nằm ngay mặt đường Trần Phú - Hà Đông thì dù lãnh đạo không có kiểu nhắn tin “đi đêm” cho từng khách hàng, song hầu hết khách hàng vẫn không dám gõ cửa báo chí, tòa án với lý do: nếu kiện thì nó sẽ phá sản ngay, mà phá sản thì coi như toàn bộ số tiền đã đóng sẽ mất hết.

Trên thực tế, chủ dự án này hồi giữa năm nay cũng đã đưa ra “tối hậu thư” cho khách hàng theo kiểu “nửa xin nửa dọa” rằng, cứ để tôi tính dần, còn trong trường hợp các vị ép quá thì “trạng chết chúa cũng băng hà”.

Sau gần nửa năm chờ đợi, khi được hỏi, một số khách hàng mua căn hộ tại dự án này cho hay, vẫn chưa thấy chủ đầu tư động tĩnh gì, trong khi đơn kiện thì vẫn được họ cất trong ngăn tủ và tiếp tục chờ đợi.

  • Nghịch lý nhà chung cư

    Nghịch lý nhà chung cư

    Thị trường bất động sản được hâm nóng từ thông điệp “giải cứu” của Chính phủ. Nhưng muốn làm ấm thị trường, đòi hỏi phải xóa hàng loạt nghịch lý đang tồn tại, xuất phát từ chính sách của nhà nước. <br/br>

  • Giật mình những con số về thị trường bất động sản 2012

    Giật mình những con số về thị trường bất động sản 2012

    CafeLand - Vốn được xem là một trong những ngành “hái ra tiền” trong thời hoàng kim. Năm 2012 bất động sản phải vật lộn trong khó khăn với những con số tồn kho, nợ xấu. Sự việc trầm trọng đến mức Chính phủ phải xem xét đưa ra nghị quyết giải cứu bất động sản.

  • FDI bất động sản tăng mạnh nhưng vẫn dưới mức tiềm năng

    FDI bất động sản tăng mạnh nhưng vẫn dưới mức tiềm năng

    CafeLand - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản năm 2012 đạt 1,85 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm trước. Như vậy, bất chấp sự đóng băng của thị trường bất động sản, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng vọt một cách ngoạn mục.

Theo Trang Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.