Đến văn phòng Cafeland với một tập hồ sơ dày cộm trên tay, Cô Mai (ngụ Gò Vấp) chia sẻ: “300 triệu đồng, với những người nghèo như cô thì đó là cả cuộc đời”.
“Móc túi” khách hàng?
Cô Mai chia sẻ, sau nhiều năm ở thuê, cô dự định tìm kiếm mua một miếng đất nhỏ để ở. Tuy nhiên, với số vốn khoảng vài trăm triệu, để mua đất sở Sài Gòn chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Vậy nên, cô Mai lên mạng mò mẫm tìm thông tin những khu đất ở các tỉnh vùng ven thành phố.
Một lần cô được người ta giới thiệu lên xem mảnh đất ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), nhưng khi lên đến nơi cô không dám mua vì khu vực đó không bóng người ở.
Sau đó, cô được một nhân viên môi giới thuộc Công ty Nam Long Real (quận Gò Vấp) dẫn đi xem đất tại dự án Lan Anh 2 (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
“Tôi chọn mua đất ở đây trước hết là vì thương hiệu Nam Long, bởi tôi nghe nhiều người thân kể đây là một công ty uy tín, có nhiều dự án ở TP.HCM. Tuy nhiên, khi lên xe thì tôi mới biết không phải công ty đó mà chỉ là có cái tên giống nhau”, cô Mai chia sẻ.
Theo cô Mai, lúc lên xe đi xem đất, nhân viên phía công ty rất đông. Một khách thường có đến năm bảy nhân viên vây quanh. Họ tư vấn và tạo hiệu ứng để khách hàng đặt cọc. Trước áp lực đó, cô Mai cũng đặt cọc 40 triệu.
Tuy nhiên, sau đó một nhân viên của Nam Long Real tên Sinh đã “tư vấn” cho cô mua mảnh đất khác không nằm trong số nền đất mà Công ty Nam Long Real đang bán.
Nhân viên này cho biết, miếng đất có diện tích hơn 90m2, có giá bán khoảng 600 triệu đồng, tương đương với giá công ty bán, nhưng có vị trí đẹp hơn. Người này hứa sẽ chuyển khoản tiền đặt cọc 40 triệu qua để mua lô đất này.
Lúc đầu, cô Mai không đồng ý vì cho rằng đất của công ty sẽ “an toàn” hơn. Tuy nhiên, vì tin tưởng trước bài “thuyết trình” quá tuyệt vời của Sinh nên cô Mai đồng ý.
Sau đó, Sinh đưa cô Mai đi gặp một người tên Toàn, người này được một người khác tên Cương ủy quyền để làm thủ tục hợp đồng, công chứng với cô Mai.
Ngày nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cô Mai chưa kịp mừng thì phát hiện giá bán thực tế của lô đất với giá mình mua chênh lệch quá lớn.
Liên lạc với nhân viên tên Sinh để hỏi thì người này không bắt máy. Quá bức xúc, cô Mai thuê taxi lên tận dự án để tìm hiểu thì phát hiện giá bán thực tế chỉ là 3 triệu/m2, thậm chí có lô còn thấp hơn. Tính ra, lô đất của cô Mai bị kê giá lên gấp đôi.
“Tôi biết mình sai khi không tìm hiểu rõ thông tin dự án, công ty môi giới. Bây giờ giấy trắng mực đen mình cũng không thể kiện cáo gì. Tôi chỉ bức xúc là họ móc túi khách hàng quá trắng trợn”, cô Mai nói.
Chia sẻ câu chuyện của mình, cô Mai mong muốn những người có ý định mua đất nền cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, công ty môi giới. Không nên quá tin tưởng vào nhân viên môi giới để tránh bị sập bẫy.
Khách hàng cần tỉnh táo
Thực tế câu chuyện như cô Mai không phải hiếm trong thời gian qua. Đặc biệt tại các thị trường đất nền vùng ven tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… do đó, khách hàng cần phải tỉnh táo trước mọi giao dịch.
Anh Vương, môi giới bất đất nền tại quận 9 chia sẻ, việc các công ty môi giới kê giá bán cao hơn nhiều so với giá gốc là phổ biến. Do đó, trước khi mua khách hàng cần tìm hiểu kỹ, nếu khi ký vào hợp đồng rồi thì xem như đồng ý.
Cũng theo anh Vương, không ít trường hợp nhân viên môi giới “móc nối” với nhau để dàn dựng câu chuyện đánh lừa người mua. Nhóm này có thể vào vai chủ đất, người được ủy quyền để giao dịch với khách hàng. Mục đích là kiếm hoa hồng cao, không phải thông qua công ty môi giới.
Ông Võ Hữu Khoa, chuyên gia bất động sản cho rằng, không chỉ riêng đất nền mà mọi sản phẩm bất động sản khác điều quan trọng nhất chính là tính pháp lý. Trước hết phải biết ai là chủ sở hữu của bất động sản đó và pháp lý về mặt quy hoạch, xây dựng của dự án. Hiện nay các dự án đất nền nhỏ lẻ rất yếu những vấn đề này.
Luật sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản Trị Kinh Doanh – Đại học Ngân Hàng TP.HCM khuyến cáo, khách hàng khi được tư vấn cần nghiên cứu kỹ các điều khoản cam kết trên hợp đồng. Trong trường hợp đơn vị tư vấn không thực hiện đúng các cam kết, kết quả tư vấn không đúng như hợp đồng thì có thể dựa vào quy định của pháp luật để đòi quyền lợi.
Luật sư Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, cho rằng, trong giao dịch đất nền để tránh rủi ro thì người mua nên chọn chủ đầu tư uy tín, đối tác phân phối tin cậy. Phải tìm hiểu kỹ thông tin về dự án cũng như chủ đầu tư, đơn vị phân phối. Thường xuyên kiểm tra và giám sát hoạt động của chủ đầu tư đối tác. Và cần tìm hiểu kỹ về quy hoạch, pháp lý dự án ở các cơ quan chính quyền địa phương nơi có dự án.
-
Đất nền: Thiên la địa võng bẫy khách hàng
CafeLand – Giới thiệu dự án một nơi đưa khách đi xem một nẻo, cam kết lợi nhuận khủng, đưa giá bán không đúng thực tế… đang là những cạm bẫy được các công ty môi giới đất nền giăng ra để dụ dỗ khách hàng.
-
Mua đất quận 9, đưa khách xuống Vũng Tàu
CafeLand – Nhiều khách hàng tố Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản UniLand đã không thực hiện đúng cam kết khi tư vấn bán đất nền tại dự án The Unicity (dự án đất nền Lan Anh 5, Ấp Bắc II, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu).
-
Sắp thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 10 tỉnh thành
Các tỉnh, thành nằm trong danh sách thanh tra trong năm 2023 của Bộ Xây dựng gồm Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang và Bình Phước.
-
Nhà đầu tư nhỏ nên lựa chọn phân khúc nào để “hái ra tiền”?
Bất động sản vùng ven phục vụ nhu cầu ở thực luôn có sức hút với các nhà đầu tư lâu năm, người mua và cả những nhà đầu tư mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường.
-
Hết “sóng”, nhà đầu tư bất động sản vỡ mộng vì mắc cạn ở đất tỉnh
Sau khoảng thời gian “sốt nóng” khiến giá đất tăng chóng mặt thì nay thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh thành rơi vào trầm lắng, thanh khoản lao dốc. Nhiều nhà đầu tư đang có nguy “cơ chết chìm” khi chấp nhận cắt lỗ nhưng vẫn không tìm được người m...