Nhà đầu tư không nên chỉ chạy theo lãi suất cao đầu tư theo phong trào, mà phải đánh giá kỹ càng, cẩn trọng về tài chính DN để hạn chế thua lỗ
Có lẽ chưa bao giờ thị trường trái phiếu DN lại thăng hoa như thời điểm này. Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2019, tổng khối lượng trái phiếu DN phát hành là 116.085 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, từ khi có Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu DN, hầu như tuần nào cũng có thông tin về các đợt phát hành mới.
Trong đó, NHTM phát hành 36.700 tỷ đồng chiếm 36% tổng khối lượng trái phiếu DN được phát hành; DN bất động sản là 22.122 tỷ đồng chiếm 19%. Lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các DN khác. Lãi suất huy động cũng cao hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn của ngân hàng từ 0,5 - 1,0%/năm. Cá biệt có một số DN bất động sản lãi suất huy động từ 12 - 14%, có 1 DN (Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt) phát hành với lãi suất lên đến 14,5%...
Quy mô thị trường trái phiếu DN tới hết tháng 6 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020 của Chính phủ. Các chuyên gia dự báo, thị trường trái phiếu DN ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 30-40% trong vài năm tới.
Sự phát triển vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2019 của thị trường trái phiếu DN, theo đánh giá của giới chuyên môn là nhờ sự thông thoáng từ quy định trong Thông tư 63/2018/NĐ-CP, đem lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Không chỉ các ngân hàng - nhà đầu tư lớn, mà các nhà đầu tư cá nhân cũng tham gia tích cực vào thị trường này. Hiện tại các ngân hàng cũng mở rộng dịch vụ tư vấn đầu tư trái phiếu DN cho khách hàng với thông số về DN rõ ràng, chính xác hơn so với việc nhà đầu tư tự tìm hiểu đầu tư.
Việc phát hành trái phiếu DN đem lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung cũng như cho nhiều bên liên quan…
Theo một chuyên gia ngân hàng, ở góc độ vĩ mô, thị trường trái phiếu DN phát triển mạnh sẽ giúp đa dạng hóa kênh truyền tải vốn của nền kinh kế, từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho DN, giảm bớt áp lực cho vay của các NHTM, hỗ trợ các NHTM huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
Còn xét ở góc độ vi mô, nhà đầu tư và DN cũng được hưởng lợi. Nhà đầu tư có thêm một kênh đầu tư với lãi suất tốt, còn DN phát hành trái phiếu thấy lợi ích rõ khi lãi suất tuy cao hơn so với lãi vay ngân hàng, nhưng điều kiện dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản và thường không cần tài sản đảm bảo.
Mặt khác, phần lớn NHTM cho vay kỳ hạn dưới 3 năm, trong khi kỳ hạn trái phiếu phổ biến là 5 năm, nên có lợi cho nhà phát hành trái phiếu hơn. Ngân hàng, công ty chứng khoán, các tổ chức môi giới, phân phối trái phiếu DN cũng tích cực chào bán để thu phí dịch vụ. Xu hướng hiện nay, các ngân hàng ngoài thu lãi từ tín dụng cũng tăng doanh thu nhờ thu phí dịch vụ, trong đó có phí dịch vụ từ phát hành hộ trái phiếu DN.
Tuy nhiên, trái phiếu DN hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ nhất, nếu không được kiểm soát tốt, việc phát hành trái phiếu DN sẽ ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Thứ hai, hầu hết các DN phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm khiến các nhà đầu tư không đủ thông tin để phân tích rủi ro; vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích; trái phiếu DN thường không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh... Thứ ba là rủi ro về thanh khoản khi thị trường thứ cấp của trái phiếu DN tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu gia tăng.
Qua theo dõi thị trường trái phiếu DN từ đầu năm đến nay, TS. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, rất khó giám sát dòng tiền huy động qua kênh này có được DN sử dụng đúng mục đích hay không. Đây là rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư, ngay cả đối với nhà đầu tư là ngân hàng.
“Nếu cấp tín dụng thông thường, ngân hàng có thể dễ dàng giám sát dòng tiền vì giải ngân theo hợp đồng, hoặc theo tiến độ dự án. Song với trái phiếu DN, ngân hàng không thể nào kiểm soát được DN có sử dụng tiền để triển khai dự án như đã thông báo hay không”, TS. Nghĩa lý giải nhận định của mình và đề xuất thị trường trái phiếu DN sẽ bền vững hơn nếu mở rộng phát hành cho đại chúng, chứ không chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, ngân hàng.
Tuy nhiên, giới chuyên môn tỏ ra lo lắng nếu mở rộng đối tượng phát hành mà chưa có hành lang pháp lý phù hợp thì rủi ro tiềm ẩn. Muốn thị trường này phát triển bền vững cũng như đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư cần một hành lang pháp lý phù hợp hơn.
Để làm được điều này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa phải yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu tăng mức độ minh bạch thông qua xếp hạng tín nhiệm DN. Theo đó, chỉ những DN được xếp loại AA- trở lên mới được cho phép phát hành trái phiếu. Ngoài khung pháp lý phải rõ ràng, vị chuyên gia này nhấn mạnh, điều kiện quan trọng nhất là DN phát hành phải công khai minh bạch. Ví dụ, DN phát hành trái phiếu phải cung cấp công khai minh bạch dùng tiền vào dự án nào, đã được cấp phép chưa, bao giờ hoàn thành… giúp cho người mua có thông tin rõ ràng cụ thể để yên tâm lựa chọn đầu tư hơn.
“Đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu DN trong thời gian tới, tốt nhất là khuyến khích đầu tư nhỏ lẻ mua mới có ý nghĩa. Nhưng điều kiện tiên quyết là phải công khai minh bạch, có nhà tư vấn và phải có đơn vị uy tín bảo lãnh”, TS. Nghĩa bổ sung thêm quan điểm.
Trước đó, đề cập đến sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu DN, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhằm phòng ngừa những rủi ro từ hoạt động thị trường này, tại dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đang được trình Quốc hội, Bộ đang đề xuất bổ sung quy định DN bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra công chúng. Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu mô hình của thị trường trái phiếu DN thứ cấp để tăng tính thanh khoản của thị trường này.
Dẫu vậy, trước diễn biến tăng trưởng đột biến của thị trường này, giới chuyên môn khuyến nghị dù là ngân hàng tư vấn hay nhà đầu tư tự tìm hiểu thì các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, cân đối dòng tiền đầu tư, không nên chỉ chạy theo lãi suất cao, đầu tư theo phong trào, mà phải suy xét, đánh giá kỹ càng về tài chính DN đó để không phải ngậm trái đắng như thời kỳ người người nhà nhà đầu tư cổ phiếu trong thời gian trước kia.
-
VnDirect: Các chiến lược tài chính khéo léo sẽ là chìa khoá giúp nhóm bất động sản vượt áp lực đáo hạn trái phiếu
Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong các quý tiếp theo khi áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng. Các chiến lược tài chính khéo léo cùng với sự hỗ trợ từ phía ...
-
Trái phiếu đáo hạn: Công ty bất động sản có được khất nợ qua năm 2025?
Tôi có mua trái phiếu doanh nghiệp của một công ty bất động sản tương đối lớn và uy tín ở thời điểm mua; tuy nhiên, hiện tại họ đang gặp khó khăn trong tài chính, khả năng cao là không có nguồn tiền để trả nợ trái phiếu đúng hạn trong năm 2024....
-
Trái phiếu không tài sản đảm bảo CII hút khách mua
Ngày 14/10, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã: CII) đã có báo cáo về việc chào bán thành công lô trái phiếu mã CIIB2426001 có giá trị 300 tỷ đồng.