18/09/2020 9:55 AM
Một đồng bỏ ra cho dự án PPP ngoài cân nhắc hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, mà còn xét cả mức chi trả của người dân và khả năng cho vay của ngân hàng.

Hầm đường bộ Đèo Cả - một công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Đèo Cả Group làm chủ đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Vẫn là chuyện vốn và rủi ro

Theo ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Đèo Cả Group, vấn đề lớn hiện nay là sự đồng bộ về chính sách. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) ra đời và khuyến khích đầu tư, Nhà nước cũng nỗ lực đảm bảo nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Nhưng tổ chức tín dụng/ngân hàng, thậm chí ngành ngân hàng lại có những văn bản hạn chế tối đa cho vay các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP” diễn ra ngày 16/9, điều ông Thế nêu được nhiều chuyên gia ghi nhận và cho là hoàn toàn trái ngược với thời hoàng kim trước, khi vốn vay thương mại chảy mạnh vào các dự án BOT giao thông.

Đại diện Đèo Cả Group cũng cho biết, những dự án mà doanh nghiệp này đang đầu tư là dự án trọng điểm quốc gia, nhưng không có cơ chế chia sẻ rủi ro trong quyết định chủ trương đầu tư bởi thời điểm quyết định chưa có Luật PPP và các quy định liên quan.

Đề cập quy định trong Luật Đầu tư về việc khi có thay đổi về chính sách pháp luật thì xem xét áp dụng chuyển tiếp những gì có lợi cho nhà đầu tư, đại diện Đèo Cả Group kiến nghị, cần có các điều khoản chuyển tiếp để doanh nghiệp được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro, PGS-TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn về việc chuyển tiếp theo Luật PPP. Trong Điều 82, Luật PPP, cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu chỉ áp dụng cho dự án được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư. “Vậy với các dự án đã và đang triển khai, thậm chí cả 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, vấn đề chia sẻ rủi ro doanh thu có được áp dụng?”, ông Chủng đặt vấn đề.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Luật PPP mở ra một kênh huy động vốn trên thị trường qua hình thức phát hành trái phiếu nhằm gỡ vấn đề vốn cho dự án PPP. “Việc phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án PPP mới là bước đầu mà sau này, theo yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, chúng ta có thể tính tiếp các phương án huy động khác, thay vì dựa hết vào vốn ngân hàng”, bà Lê nêu.

Với dự án đã và đang triển khai, Điều 101, Luật PPP quy định rất rõ việc chuyển tiếp. “Chúng tôi hiểu rằng, các dự án PPP ở mức độ triển khai khác nhau sẽ gặp thách thức khác nhau, nên tại khoản 7, Điều 101, Luật PPP, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết về điều này”, bà Lê nói.

Còn Điều 82, Luật PPP quy định, cơ chế chia sẻ rủi ro phải được quyết định ngay tại khâu chủ trương đầu tư. Nghĩa là, cơ chế chia sẻ rủi ro phải được đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được hội đồng thẩm định trên cơ sở xem xét ngân sách có đủ đáp ứng theo cơ chế chia sẻ rủi ro, thì mới xác định thực hiện dự án về sau.

Cụ thể, 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là những dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực. “Nếu cơ chế chia sẻ rủi ro đã được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư, thì chúng ta sẽ thực hiện cơ chế này bình thường, còn nếu chưa, thì căn cứ theo Luật PPP, chúng ta sẽ phải làm lại bước quyết định chủ trương đầu tư theo quy trình”, bà Lê khẳng định.

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, trên nguyên tắc của Điều 101, Luật PPP, thì không được “động” đến chủ trương đầu tư, muốn điều chỉnh chủ trương thì cần quay lại sửa đổi các khâu từ chủ trương trở đi. Với đề xuất cơ chế chia sẻ rủi ro cho các dự án mà Đèo Cả Group thực hiện lâu nay, bà Lê nhận xét, việc “nắn” lại Điều 101, Luật PPP để không phải qua khâu sửa chủ trương đầu tư mà vẫn được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu là điều khó.

Khó, phức tạp, nhưng phải quyết làm

Triển khai đầu tư theo PPP là không dễ, thậm chí có thể khẳng định là phức tạp và khó làm, nhưng không vì thế mà chùn bước, bởi đây là xu hướng tạo văn hóa đầu tư minh bạch và có chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, dù Luật PPP có quy định cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, nhưng để triển khai và quản lý, phân tích rủi ro và kiểm toán sau đó ra sao đều là những chuyện rất phức tạp. Nếu sớm triển khai được các dự án PPP, nhất là dự án quy mô lớn, sẽ tạo lực kéo rất lớn giúp nền kinh tế đứng dậy nhanh hơn sau Covid-19.

Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội, ông Aguin Toru cho rằng, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, hợp tác PPP cần hết sức cân nhắc lợi ích và kỳ vọng của 4 bên. Để duy trì hợp tác PPP lâu dài, cần phải hướng đến đảm bảo yếu tố bền vững và khả năng chi trả của người sử dụng; độ tín nhiệm của nhà đầu tư; tính ổn định và dễ đoán của chính phủ và khu vực công; khả năng cho vay của ngân hàng/tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, việc nâng cấp khung pháp lý cho đầu tư theo PPP từ nghị định thành luật đã tạo nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng môi trường thể chế thuận lợi cho triển khai các dự án PPP.

Ông Lộc kiến nghị, trước mắt, phải khẩn trương soạn thảo, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển hợp tác công - tư với mục tiêu kép là quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bảo đảm lợi ích công, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và an toàn tài khóa quốc gia và quyền lợi cho nhà đầu tư.

Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực gồm giao thông - vận tải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; lưới điện; nhà máy điện, với mục tiêu tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính động lực.

Bà Lê đánh giá, đầu mục lĩnh vực thu hút PPP không nhiều, song về quy mô, bên cạnh các dự án lớn có tính dẫn dắt, hoàn toàn có thể triển khai nhanh những dự án quy mô nhỏ để sớm tạo hiệu ứng tích cực giúp nền kinh tế vượt qua Covid-19, nhất là các dự án về hạ tầng công nghệ thông tin.

Bà Vũ Quỳnh Lê cho biết, Cục Quản lý đầu thầu đang được giao soạn thảo hai nghị định hướng dẫn Luật PPP, gồm Nghị định hướng dẫn chung về PPP và Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức bàn thảo hai dự thảo này trong sáng 18/9. Còn Nghị định hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Ở tầm thông tư, sẽ có một loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan.

Chủ đề: Dự án ppp là gì?
Lê Quân (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.