Tại hội nghị thúc đẩy về các dự án hợp tác Việt Nam – Singapore diễn ra sáng 29/8, Thủ tướng hai nước Việt Nam và Singapore đã chứng kiến nghi thức khởi công 3 khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), trao chấp thuận đầu tư 2 dự án VSIP.
Theo đó, 3 dự án vừa được thực hiện nghi thức khởi công bao gồm: VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh II và VSIP Nghệ An II.
Hai dự án VSIP khác cũng được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận.
Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).
Nghi thức khởi công các dự án mới của VSIP gồm VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2. Ảnh: VGP
VSIP được xem là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. VSIP được thành lập từ năm 1996, là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và phát triển công nhiệp (Becamex IDC) và Tập đoàn Sembcorp Industrial Parks của Singapore, với mục đích hoạt động là xây dựng và phát triển khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP).
Dự án đầu tiên được hình thành và phát triển cùng năm tại Thuận An, tỉnh Bình Dương với dự án đầu tiên mang tên VSIP I với quy mô 500ha.
Đến nay, riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này có tổng cộng có 3 dự án VSIP (VSIP I, VSIP II, VSIP III) thu hút gần 600 nhà đầu tư đến từ hơn 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 8,6 tỷ USD. Trong đó, VSIP III có diện tích 1.000ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.
Không chỉ phát triển mạnh mẽ ở điểm đến đầu tiên, các dự án của VSIP còn hiện diện ở nhiều tỉnh thành. Chẳng hạn tại Bắc Ninh doanh nghiệp này có dự án Khu công nghiệp và đô thị VSIP Bắc Ninh khởi công xây dựng tháng 12/2007. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 700 ha, trong đó, khu công nghiệp 500 ha, khu đô thị 200 ha; tổng vốn đăng ký 80 triệu USD. Từ năm 2019, VSIP Bắc Ninh II được triển khai trên tổng diện tích hơn 273 ha với tổng vốn gần 2.360 tỷ đồng.
Tỉnh thành thứ 3 có sự xuất hiện của khu công nghiệp VSIP là thành phố Hải Phòng. Dự án được triển khai năm 2010 trên quỹ đất 1.600ha, trong đó có 500ha dành cho khu công nghiệp sạch và 1.100ha dành cho khu đô thị với số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
VSIP III Bình Dương có diện tích 1.000ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tọa lạc trên quỹ đất 150 ha, tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng.
Năm 2013, VSIP Quảng Ngãi 915 ha được khởi công. Tiếp đó năm 2015, VSIP Nghệ An 750 ha, được phát triển theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 198 ha đất công nghiệp, 81 ha đất thương mại và nhà ở. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 15,2 triệu USD.
Cái tên mới xuất hiện trong bản đồ khu công nghiệp Việt Nam - Singapore miền Trung là Bình Định, tọa lạc tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng.
Tháng 10/2022, VSIP đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để phát triển dự án khu công nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô diện tích sử dụng đất là hơn 293,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.
Từ dự án đầu tiên tại Bình Dương, đến nay đã có 14 khu công nghiệp VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha.
Các khu công nghiệp VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy khoảng 83,2%, thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phát triển các dự án bất động sản thương mại và khu dân cư.
Được biết Tập đoàn Sembcorp là tập đoàn hàng đầu của Singapore. Doanh nghiệp đến từ đảo quốc sư tử hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, nước, hàng hải, môi trường và phát triển đô thị, do Temasek Holding (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) nắm giữ 49% vốn sở hữu.
Về Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), theo báo cáo định kỳ về tình hình tài chính gửi đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty thông báo mức lãi lớn 2.258 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 26% so với năm 2021.
Vốn chủ sở hữu của ông lớn ngành khu công nghiệp này đang đạt quy mô trên 14.664 tỷ đồng, tăng 19% so với kỳ trước, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tăng từ 15,65% lên 16,73%.
Tại thời điểm cuối năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 0,67 và 0,07, giảm nhẹ so với kỳ trước. Như vậy, nợ phải trả và dư nợ trái phiếu của VSIP lần lượt là 9.825 tỷ đồng và 1.026,5 tỷ đồng, tăng 14% và 4,1% so với kỳ trước. Tổng tài sản của VSIP đã lên đến gần 24.500 tỷ đồng.
-
12 dự án VSIP mới nằm ở các tỉnh nào?
3 dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mới được khởi công, 2 dự án VSIP được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cùng 12 dự án VSIP vừa được ký biên bản hợp tác phát triển.
-
VPBankS: Dòng vốn FDI tiếp tục dẫn dắt bất động sản khu công nghiệp trong năm 2025
VPBankS Research cho rằng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2025-2026, do lợi thế về vị trí địa lý và cạnh tranh lớn về chi phí hoạt động so với các quốc gia trong khu vực....
-
Đàm phán với nhiều khách lớn, mảng cho thuê đất khu công nghiệp của IDICO được dự báo sẽ tạo ra dòng tiền khoảng 4.900 tỷ giai đoạn 2024 - 2026
Công ty Chứng khoán Vietcap vừa đưa ra dự báo Tổng Công ty IDICO - CTCP (mã chứng khoán: IDC) sẽ ghi nhận 8.984 tỷ đồng doanh thu và 2.418 tỷ đồng lợi nhuận sau thuê trong cả năm 2024, lần lượt tăng 24% và 45% so với năm 2023....
-
Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
(Chinhphu.vn) - Phát triển các Khu công nghiệp thông minh và bền vững chính là hành động để hướng đến mục tiêu Net-zero Carbon thông qua các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của Khu công...