Bất động sản vùng ven một vài năm gần đây đang trở thành điểm đầu tư lý tưởng của không ít dân kinh doanh. Đặc biệt là đất khu vực Gia Lâm (Hà Nội), bởi sự xuất hiện của nhiều dự án lớn quanh đây.
Vì thế, cách đây hơn 1 năm, anh X.L. (Gia Lâm, Hà Nội) đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào đây. Theo đó, anh L đã mua một miếng đất ở khu vực Đào Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội) với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Tính ra, anh L phải bỏ ra 25,5 triệu đồng/m2 đất tại đây.
Thời điểm đó, anh L may mắn vì mua được miếng đất với giá vừa hợp lý. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn, đã có người hỏi mua lại với giá 29 triệu đồng/m2.
Bất động sản vùng ven "sốt" vài năm gần đây...
Miếng đất của anh L nằm trong một con ngõ nhỏ, nhưng vừa đủ để ô tô nhỏ đi vào. Do đó, tính thanh khoản của mảnh đất này thuộc dạng tốt.
Đó là chưa kể, theo anh L, đầu lối rẽ vào nhà anh đã được quy hoạch làm một con đường lớn chạy qua, chỉ là chưa rõ thời điểm khởi công. Nếu làm xong đường, miếng đất của anh nằm rất gần đầu ngõ.
“Mọi thứ đều thuận lợi, nên tôi kỳ vọng giá miếng đất sẽ lên cao. Tôi tính sẽ để một thời gian rồi bán kiếm lời”, anh L nói.
Thế nhưng, đến đầu năm 2020, anh L rao bán miếng đất thì lại chẳng có ai mua. Dù nhiều lần anh hạ giá xuống còn 27 triệu đồng/m2.
Rao mãi không bán được, anh đem hồ sơ gửi ra một phòng giao dịch bất động sản trong khu vực để nhờ bán hộ. Thế nhưng, suốt nhiều tháng qua, miếng đất vẫn nằm đó mà không ai hỏi han.
Song thực tế rao bán cả năm chẳng ai mua
Trao đổi lại với nhân viên môi giới thì anh L được biết, chỉ có lác đác vài khách đến xem và cũng không trả giá. Ngoài ra, người đó cũng khẳng định với anh L rằng, miếng đất đó bán giá 27 triệu đồng/m2 là hợp lý rồi và không tăng được nữa.
Song, khi giả danh là khách có nhu cầu, phóng viên trực tiếp liên lạc với người môi giới này thì được biết, đất ở khu Đào Xuyên hiện đang rất cao, người không có tiền không đầu tư được.
“Em có tất cả các miếng đất ở Đào Xuyên, nhưng giá cao. Đường 1 ô tô vào được phải 35 triệu đồng/m2. Còn với đường 2 ô tô tránh nhau thì giá 40 - 50 triệu đồng/m2”, nhân viên môi giới cho hay.
Không chỉ hét giá cao, người này còn cho biết, đất ở khu vực đó đang khó mua vì chủ đất “găm” chờ lên giá.
Người có đất thì không bán được, còn người mua thì bị dân môi giới “dắt mũi” đang là tình trạng xảy ra với bất động sản vùng ven Hà Nội.
Nhiều người không còn khả năng "ôm" đất nên phải bán.
Cách đó không xa, là khu vực Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội), đất khu vực này cách đây chỉ 1 năm cũng thuộc dạng có tiền cũng không mua được, bởi thông tin làm dự án tại đây đã rõ ràng.
Thời điểm đó, theo anh Đức (Gia Lâm, Hà Nội), giá đất tại Đông Dư vào khoảng 28 - 29 triệu đồng/m2. Giá cao là vậy, nhưng tìm mỏi mắt anh cũng không mua được. Song, hiện tại, giá đất chỉ vào khoảng 22 - 23 triệu đồng/m2, đường ô tô vào được 4,5m cũng chỉ có giá 29 triệu đồng/m2 và có không ít người phải bán tháo.
Lý do theo anh Đức là bởi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên dân đầu cơ không “ôm” tiếp được. Dự án lại chưa biết lúc nào sẽ khởi công, nên hiện tượng bán tháo đang diễn ra nhiều.
Thực tế là vậy, nhưng dân môi giới bất động sản đất Gia Lâm lại nói khác. Theo đó, một môi giới tên Thành cho hay, đất Đông Dư ô tô vào được có giá 35 - 40 triệu đồng/m2. Miếng nào nằm trên đường 2 ô tô tránh nhau giá dao động 45 - 50 triệu đồng/m2.
“Đất trong ngõ ô tô không vào được, giá cũng phải 24 - 30 triệu đồng. Đất Đông Dư giáp đất quận, gần cầu Thanh Trì, gần khu đô thị lại ở gần quy hoạch dự án lớn nên giá rất cao”, môi giới tên Thành khẳng định.
Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm chứng từ nhiều nguồn để tránh rơi vào sóng ảo đất ven đô.
-
Vợ chồng trẻ "còng lưng trả nợ" vì vay 800 triệu đồng mua nhà Hà Nội
Với số nợ ngân hàng 800 triệu đồng, cả tiền gốc và lãi chưa đầy 12 triệu đồng/tháng, tưởng chừng việc trả góp nằm trong tầm tay nhưng chỉ sau hơn 1 năm, vợ chồng D. điêu đứng vì “còng lưng” trả nợ.
-
Hé lộ phân khúc đất nền đang có mức tăng giá tới 40%
Trong quý đầu năm, phân khúc thấp đất, đất nền có tổng lượng giao dịch lên tới 2.500 giao dịch, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Giá đất nền được cho là đã đi vào ổn định, không còn dấu hiệu giảm. Có phân khúc ghi nhận mức tăng giá lên tới 40%....
-
Quốc hội đề nghị Chính phủ can thiệp khi thị trường bất động sản “sốt ảo”
Khi Luật Đất đai và Nhà ở có hiệu lực từ 2025, Chính phủ cần giải pháp điều tiết giá bất động sản do chi phí làm dự án tăng.
-
Cái kết đắng của kẻ mộng mơ lướt sóng bất động sản
Trong cơn sốt nóng của thị trường nhà đất, chỉ một vài giao dịch lướt sóng là nhiều người đã có thể kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng. Có người không muốn bỏ lỡ cơ hội đã dồn toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn để đầu tư đất đai. Thế rồi, c...