20/11/2020 3:40 PM
Với số nợ ngân hàng 800 triệu đồng, cả tiền gốc và lãi chưa đầy 12 triệu đồng/tháng, tưởng chừng việc trả góp nằm trong tầm tay nhưng chỉ sau hơn 1 năm, vợ chồng D. điêu đứng vì “còng lưng” trả nợ.

Chị D. (31 tuổi) kết hôn với anh T. (33 tuổi) năm 2015 và có một con trai hiện sống ở Hà Nội. Chị D. làm chuyên viên truyền thông cho một doanh nghiệp, còn anh là hướng dẫn viên du lịch, chuyên dẫn tour nước ngoài. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chưa khi nào dưới 40 triệu đồng.

Mong muốn có nhà riêng để thoát khỏi cảnh thuê trọ, anh chị lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Mỗi tháng, trừ các khoản chi tiêu sinh hoạt, vợ chồng chị D. vẫn còn gần 20 triệu đồng gửi tiết kiệm.

“Năng nhặt chặt bị”, sau gần 4 năm kết hôn, gom cả tiền mừng cưới và một khoản tiền để dành được trước khi “về chung một nhà”, anh chị tiết kiệm được gần 870 triệu đồng.

Thu nhập ổn định, lại “dắt túi” được một khoản lớn nên vợ chồng chị tính mua chung cư để ở. Thấy con cái nỗ lực phấn đấu, bố mẹ hai bên cũng cố gắng gom góp cho thêm vợ chồng chị D. được 400 triệu đồng.

Tuy nhiên những căn hộ chung cư giá tầm 1 tỷ đồng thường cách xa trung tâm, mất nhiều thời gian di chuyển. Còn những căn ở nội thành thì đắt đỏ, khoảng hơn 2 tỷ đồng, chưa phù hợp với số tiền anh chị đang có.

Hơn 1 tháng suy nghĩ, bàn bạc, chị T. cùng chồng quyết định đánh liều vay ngân hàng mua căn hộ 2,2 tỷ đồng với 3 phòng ngủ, gần chỗ làm việc để tiện di chuyển.

Mặc dù giá trị căn nhà vượt xa số tiền đang có nhưng anh chị tự nhủ, phấn đấu mua nhà to để sau có đông con, bố mẹ ở quê lên phụ giúp cũng tiện sinh hoạt. Tháng 11/2018, vợ chồng chị D. dọn về ngôi nhà mới để ở.

Sau khi trừ khoản tiền tiết kiệm, vay mượn bạn bè thêm, cặp đôi phải vay ngân hàng thêm 800 triệu đồng trong vòng 15 năm với lãi suất ưu đãi năm đầu là 9% từ năm thứ 2 là 11% để mua nhà.

Hạnh phúc vì có chốn đi về rộng rãi, thoải mái, hai vợ chồng chị D. càng có thêm động lực làm việc trả nợ. Người vợ trẻ nhẩm tính với thu nhập như hiện tại thì chỉ khoảng 3-4 năm là tất toán hết số nợ.

vo chong tre cong lung tra no vi vay 800 trieu dong mua nha ha noi

Vợ chồng chị D. vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để mua chung cư 3 phòng ngủ cho rộng rãi.

Tuy nhiên, niềm vui hân hoan trong ngôi nhà của riêng mình chưa được bao lâu thì vợ chồng chị D. đã “méo mặt” vì không đủ khả năng thanh toán khoản nợ từ ngân hàng.

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và kéo dài, chồng chị thất nghiệp, anh ở nhà nhận dạy gia sư tiếng Anh để có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống. Công việc của chị cũng ít hơn vì không còn nhiều dự án truyền thông do các doanh nghiệp đều gặp khó khăn vì dịch.

Tổng thu nhập cả tháng của hai vợ chồng chỉ còn được 23 triệu đồng, giảm gần một nửa so với trước đây. Dù thắt chặt chi tiêu các khoản song một tháng, anh chị cũng chỉ để dành được 9 triệu đồng/tháng, không đủ trả ngân hàng cả tiền gốc và lãi gần 13 triệu đồng.

Nửa năm đầu tiên “còng lưng” trả nợ, tiền tiết kiệm cũng cạn sạch, anh chị cực chẳng đã đã tính đến chuyện bán nhà. Tuy nhiên thời điểm dịch bệnh nên muốn bán nhanh chỉ có thể cắt lỗ sâu.

"Tôi mua nhà 2,2 tỷ đồng, chưa kể sắm sửa thêm các đồ nội thất, giờ rao bán khách cũng chỉ trả dưới 2 tỷ đồng", chị T. buồn rầu nói.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, ngành du lịch cũng thực hiện nhiều chương trình kích cầu trở lại, chồng chị D. nhận dẫn tour trong nước, nhờ thế thu nhập cả nhà khéo vun vén cũng đủ lo số nợ trả ngân hàng. Tuy nhiên, chị T. thừa nhận cuộc sống của cả gia đình đều trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

"Từ khi vay nợ mua nhà, thu nhập giảm hai vợ chồng lúc nào cũng cảm thấy áp lực, không khí gia đình ngột ngạt. Bản thân tôi "ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu", đồ đạc quần áo không dám sắm sửa, con cái cũng không được đầu tư học trường tốt vì nơm nớp nỗi lo nợ nần.

Hiện tại hai vợ chồng sẽ cố gắng cầm cự nhưng nếu quá mệt mỏi, chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến việc bán nhà trả nợ", chị T. nói.

Chị T. thừa nhận, sai lầm của mình là đã quá chủ quan, không tính toán và lường trước được những biến cố có thể xảy ra. Đáng lẽ với số tiền 800 triệu đồng, hai vợ chồng chị có thể mua một căn chung cư vừa tầm ở khu vực ngoại thành Hà Nội hoặc gửi ngân hàng, tiếp tục thuê nhà, tích lũy tiếp thêm 2-3 năm, ổn định về tài chính rồi mới tính đến chuyện mua.

"Nói chung trừ khi vay mượn được người thân không lãi suất, còn nếu mua nhà vay ngân hàng, để tránh áp lực, vợ chồng trẻ nên tích lũy ổn định về tài chính. Bởi lẽ, vay càng nhiều, gánh nặng càng lớn, đó là chưa kể những yếu tố khách quan như: sức khỏe, công việc không thuận lợi... sẽ khó thực hiện tất toán như dự kiến", chị T. đúc kết.

Thảo Trinh (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.