Một đoạn đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh TL SGT
Báo cáo này cũng có thể xem là “phản hồi” của cơ quan quản lý nhà nước trước thông tin từ giới chuyên môn ngành cầu đường cho rằng chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam quá đắt. Tuy nhiên, những số liệu của Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo chỉ thuần là so sánh số học. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta nhìn vào đó để tự thấy yên tâm, rồi sau đó cứ tiếp tục cho “làm tới”.
Chuyện một công trình xây dựng đắt hay rẻ không chỉ nhìn vào con số chi phí bỏ ra mà đánh giá được, mà còn phải soi vào chất lượng. Hơn nữa, nói đắt, rẻ là nói đến hiệu quả, nên còn phải tùy thuộc túi tiền cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế mà chọn phương án đầu tư cho phù hợp.
Bản báo cáo đã dẫn ra con số chi phí đầu tư một số đường cao tốc ở Nhật Bản để khẳng định chi phí làm đường cao tốc ở nước này cao gấp bốn lần Việt Nam. Nhưng đó là sự so sánh khập khiễng. Ai cũng biết, cầu đường ở Nhật luôn phải được thiết kế để chống chọi được với các trận động đất lớn hay xảy ra, nên chi phí cao là bình thường.
Ở các nước, chất lượng công trình xây dựng, nhất là các công trình hạ tầng công cộng, luôn được kiểm soát chặt chẽ. Còn chất lượng cầu, đường ở Việt Nam như thế nào và cái giá phải trả cho chi phí bảo trì bảo dưỡng đắt hay rẻ? Thiết nghĩ chắc không cần phải giải thích thêm, vì nó có đầy trên mặt báo.
Cũng cần phải nói thêm rằng một số người có trách nhiệm thường lấy lý do nền đất yếu, phải xây dựng nhiều cầu cạn, nên chi phí xây dựng đường của Việt Nam cao. Thế nhưng, dẫn chứng về đường cao tốc Busan của Hàn Quốc trong báo cáo của Bộ Xây dựng lại cho thấy nhận định về sự đắt đỏ của các chuyên gia ngành cầu đường là có căn cứ. Suất đầu tư của đường cao tốc Busan được đánh giá là rất cao, lên đến 19,16 triệu đô la Mỹ/ki lô mét. Lý do là nền đất yếu, nên 72% chiều dài con đường phải xây cầu cạn và hầm xuyên núi. Nhưng chừng đó vẫn chưa là gì so với con số 28,2 triệu đô la Mỹ/ki lô mét của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành với chỉ 45% chiều dài là cầu vượt sông và cầu cạn.
Tóm lại, điều Nhà nước cần làm không phải lấy các nước khác để so sánh cao thấp, mà là thuê một cơ quan giám định độc lập có đủ năng lực đưa ra đánh giá trung thực mà không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào để trả lời cho được hai vấn đề: chi phí đã bỏ ra để xây dựng các đường cao tốc so với mặt bằng giá ở Việt Nam có phù hợp hay không; phương án đầu tư, phương án thiết kế và giải pháp thi công... đã thực sự tối ưu chưa hay còn “vung tay quá trán”?
Đường cao tốc đều là những dự án sử dụng số vốn đầu tư khổng lồ và chi phí cho các công trình này rồi sẽ được tính trực tiếp vào tiền thuế và phí cầu đường cho người dân và doanh nghiệp. Thế nên, bất kể chủ đầu tư của dự án là ai, là tư nhân hay nhà nước, thì cũng cần được thẩm định và giám sát hiệu quả một cách chặt chẽ.