Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất, bao gồm cả bất động sản, xuống 22% và đến ngày 31/12/2011 còn tối đa 16%, cùng với việc Chính phủ thắt chặt kinh doanh vàng miếng và cấm giao dịch đô la tự do đã ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền dự án tại Hà Nội nói riêng.

Đất nền dự án giảm mạnh do thị trường thiếu vốn. Ảnh: internet

Giá đất nền giảm mạnh

“Việc khống chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) và chứng khoán là một trong số các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng trong bối cảnh hiện nay có vẻ như điều này không hợp lý lắm”, một nhà đầu tư nhận định.


Trên thực tế, thị trường đóng băng về giao dịch, giá cũng đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, tức là giá tăng ảo do những vấn đề về tính minh bạch trong quy hoạch, sử dụng đất đai hay vấn đề truyền thông, tin đồn. Nay NHNN thắt chặt cho vay lĩnh vực BĐS khiến nhà đầu tư quay lưng với phân khúc đất nền dự án.


Theo khảo sát, giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đang giảm mạnh. Đất tại các khu vực như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh… không những đã “cắt cơn sốt” mà giá cũng đã giảm từ 2,5-6 triệu đồng/m
2 so với hồi giữa tháng 3/2011.

Hồi tháng 3, giá đất tại các xã Minh Phú, Minh Trí, Tân Dân, Nam Sơn... thuộc huyện Sóc Sơn rao bán với giá 7-8 triệu đồng/m
2 (đất trong ngõ) nay giảm hẳn 2-3 triệu đồng/m2 mà vẫn khó bán. Đất dọc các trục đường chính cũng nhanh chóng “hạ nhiệt”, chỉ còn từ 10-18 triệu đồng/m2, giảm 4-5 triệu đồng so với thời điểm sốt từ tháng 2.

Hiện, nhiều chủ đất lẫn nhà đầu tư tại đây rao bán đất đúng bằng giá họ mua hơn một năm trước, vì vốn vay đã bị "om" quá lâu, trong khi nguồn mới lại không dễ xoay.


Lý giải cơn sốt đất khu vực này “vỡ bong bóng” quá nhanh, các nhà đầu tư đếu có chung nhận định là do yếu tố tâm lý, muốn đi trước quy hoạch của một số nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn người đầu tư "tay trái". Nhưng cũng theo “vết xe” của cơn “sốt” đất Ba vì hồi giữa năm 2010, các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn.


Tại Đông Anh, giá đất mặt tiền thuộc khu vực Cổ Điển, Hải Bồi hồi cuối tháng 3 được chào bán với giá từ 40–80 triệu đồng/m
2

Trong khi đó, giá đất thổ cư ở khu vực phía Tây Hà Nội cũng trong tình trạng giảm tương tự, khu vực này được cho là khá tiềm năng với các nhà đầu tư Hà Nội nay cũng rớt giá từng ngày. Tại các khu vực như Phú Cát, Thạch Hòa, Tiến Xuân, Đông Xuân, Thạch Thất hay xa hơn nữa là Sơn Tây, Xuân Mai... giá đất cũng không còn nóng như hồi đầu năm nay.


Anh Tuấn, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, đầu tháng 2 năm nay anh có mua một mảnh đất rộng 180m
2 tại Sơn Tây với giá 4,5 triệu đồng/m2. Đến cuối tháng 3, nhiều người trả giá 6-7 triệu đồng/m2 nhưng anh không bán vì được tin giá đất khu vực này còn lên cao do sốt đất. Nhưng hiện nay, dù anh rao bán với giá 5,5 triệu đồng/m2 cũng không có người hỏi mua.

Tại trục Đại lộ Thăng Long, giá dự án Geleximco khu A, B, C, D cũng đã giảm khoảng 5-7 triệu đồng/m
2, giá mỗi m2 liền kề hiện chỉ khoảng 40-42 triệu đồng/m2; giá khu A là 55-60 triệu đồng/m2; giá biệt thự Dương Nội khu A hiện giao dịch ở mức trên dưới 60 triệu đồng/m2; Biệt thự, liền kề tại đô thị Mỗ Lao hiện trên 100 triệu đồng/m2.

Còn tại dọc trục đường 32, giá đất dự án Kim Chung – Di Trạch quanh mức 35-50 triệu đồng/m
2 tùy vị trí, nhưng bán rất chậm; giá đất khu đô thị Tân Tây Đô 45-47 triệu đồng/m2 cũng giảm gần 3 triệu đồng/m2 so với hồi đầu tháng 3. Khu đô thị mới Bắc 32 giá đất giảm 44-60 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư “khát vốn”


Diễn biến giá đất tại Hà Nội cho thấy, chủ trương thắt chặt tín dụng bất động sản của Chính phủ dường như đã đạt được mục đích khi giới đầu tư, kể cả nhà đầu tư nhỏ lẻ đều có biểu hiện “khát vốn”. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tỷ lệ lạm phát quá cao, đồng tiền mất giá trầm trọng thì để giữ đồng tiền khỏi trượt giá, nhà đầu tư sẽ dồn vào thị trường BĐS. Nhưng với tình hình hiện nay, có vẻ điều đó chỉ đúng 70%. Thời điểm này, nhà đầu tư lớn đang có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng động thái của các tổ chức tín dụng và tình hình phát triển của thị trường.


Theo thống kê, lượng giao dịch thành công tại các sàn đều giảm đáng kể. Cá biệt, có sàn giao dịch giảm tới trên 50% so với những tháng đầu năm.


Việc các khu vực có hiện tượng sốt nóng và “giá ảo” bị “nguội cơn” cùng với tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ, việc chuyển từ hợp đồng góp vốn sang mua bán là rất khó khăn và tốc độ giảm đi một nửa so với trước.

Nguyên nhân chính là do khách hàng có ý định vay vốn để đầu tư nhưng hiện gặp khó khăn về tài chính.

“Nếu thắt chặt cho vay BĐS sẽ dẫn tới việc các dự án rơi vào tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ và dòng tiền chảy vào kinh doanh bất động sản sẽ bị bó hẹp. Chính vì vậy, thời gian này thị trường bất động sản giảm nhiệt và dần trở nên ảm đạm, đặc biệt ở phân khúc căn hộ cao cấp và biệt thự”, một nhà đầu tư nhận định.


Nhưng theo nhà đầu tư này phân tích, sự trầm lắng của thị trường sẽ không diễn ra trong thời gian dài mà chỉ khoảng 1-2 tháng là cùng, bởi trong tất cả các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán hay đô la, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn và được nhiều nhà đầu tư lựa chọn hơn cả. Đất nền cũng sẽ là phân khúc sớm ổn định hơn do khả năng giữ giá tốt. Nếu cần tiền để đầu tư, các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư cá nhân có thể phải chịu chấp nhận bán rẻ hơn một chút để thu tiền về, nhưng giá bán cũng không thấp hơn giá họ mua ban đầu.


Có thể giá đất nền dự án sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nhưng không giảm sâu. Các chủ đầu tư buộc phải tiếp tục huy động vốn để đảm bảo tiến độ dự án theo đúng cam kết. Trong khi nguồn vốn từ ngân hàng bị siết chặt, họ bị đặt trong nỗ lực buộc phải bán được hàng ra thị trường. Nguồn cung tăng trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhà đầu tư quay lưng, việc giảm giá là điều khó tránh khỏi.
Cafeland.vn - Theo TamNhin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland