So với thời điểm "sốt" đất diễn ra hầm hập vào tháng 3-2019, hiện nay thị trường bất động sản ở Đà Nẵng rơi vào tình trạng ế ẩm, có thể nói là đóng băng, nhất là ở phân khúc đất nền. Mặc dù đã giảm sâu, mỗi lô có giá thấp hơn thời điểm sốt đất vài trăm triệu đồng nhưng nhà đầu tư vẫn không tìm được khách hàng.
"Cò" đất chuyển nghề
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng, chủ sàn giao dịch bất động sản cùng tên ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, cho biết từ sau giai đoạn sốt đất vào tháng 3-2019, thị trường đất nền bắt đầu có dấu hiệu giảm. Từ đó đến nay, giá đất nền ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân giảm 300 - 500 triệu đồng/lô tùy vào loại đường và vị trí. Giá đất hiện tại ở khu vực này thấp nhất vào khoảng 3,3 tỉ đồng/lô đường 7,5 m. Ông Hoàng cho hay hiện nay, khách có nhu cầu mua đất thực sự rất ít. "Cả tháng chúng tôi tìm đỏ mắt mới bán được 1 lô. Vậy cũng xem là may mắn rồi chứ có sàn vài tháng nay không bán được lô nào" - ông Hoàng nói.
Sau cơn sốt, bất động sản Đà Nẵng đã xác lập mặt bằng giá mới, cao gấp nhiều lần so với trước. Trong ảnh: Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hiện có giá thấp nhất hơn 3 tỉ đồng/lô
Trước tình trạng đó, các sàn giao dịch nhà đất, ki-ốt, quán cà phê làm thêm mua bán bất động sản trước đây mọc lên như nấm nay hầu hết đã đóng cửa, giới đầu tư hay "cò" đất cũng tháo lui. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, thừa nhận vài tháng trở lại đây, chị cùng nhiều đồng nghiệp phải kiếm ngành nghề khác để mưu sinh thay vì "săn" đất để mua đi bán lại như trước. "Giá đất dù hạ nhưng vẫn cao nên thực tế người mua rất ít. Không bán được đành phải chuyển nghề chứ biết làm sao" - chị Tuyết than thở.
Theo ông Hoàng, ở thời điểm sốt đất hàng trăm nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào tìm mọi cách đẩy thông tin, đẩy giá đất lên cao. "Giờ hết thời rồi thì họ biến mất tăm, giá đất giảm nhiệt và trở về giá trị thực của nó" - ông Hoàng nói.
Giá cao nhưng không ảo
Tuy nhiên, một nhà đầu tư chuyên phân phối đất nền ở quận Cẩm Lệ cho rằng giá đất ở Đà Nẵng đã xác lập mặt bằng giá mới, dù cao nhưng phản ánh đúng với thực tế, phù hợp với sự phát triển của TP. Theo nhà đầu tư này, giá đất nền ở các khu đô thị như Hòa Xuân, Phước Lý, Golden Hill… từ 2,5 tỉ đồng đến 3,5 tỉ đồng/lô ở những khu có mặt đường rộng 5,5 m đến 7,5 m. So với năm 2014, giá mỗi lô ở những khu đô thị này chỉ vào khoảng 400 - 600 triệu đồng. "Từ cuối 2017, giá đất ở Đà Nẵng bắt đầu tăng qua nhiều đợt, nhiều cơn sóng do chính các nhà đầu tư, cò đất tạo ra.
Cũng theo người này, thời gian tới, giá đất nền ở Đà Nẵng sẽ có giảm nhưng nhiều nhất cũng chỉ từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi lô chứ không có chuyện quay trở lại giá của năm 2014.
ThS Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu bất động sản Đà Nẵng, nhận định thị trường bất động sản Đà Nẵng từng có đợt lao dốc kỷ lục vào những năm 2008-2009 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Lúc này, các ngân hàng cũng đồng thời tăng lãi suất dẫn đến việc giới đầu tư bất động sản bị "sập hố". "Từ giá 2 - 3 tỉ đồng mỗi lô đất ở khu đô thị giảm xuống chỉ còn 300 - 400 triệu đồng. Mãi đến 2014, thị trường bất động sản Đà Nẵng mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại" - ông Lập nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng đối với thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện nay, nếu người mua chờ giảm giá sâu hơn nữa thì rất khó. Bởi, nguồn cung đất đai ở Đà Nẵng đã hạn hẹp trong bối cảnh TP ngày càng phát triển và có sức hút với nhà đầu tư. Các khu đô thị mới quy hoạch như Hòa Xuân, Phước Lý… đã dần đi vào ổn định, tỉ lệ xây dựng dày đặc nên rất khó để giá đất giảm thêm. "Tốc độ giảm hiện nay sẽ không mạnh như trước. Thậm chí, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục ấm lên trong những năm tới khi có các cú hích về quy hoạch và đầu tư" - chuyên gia này dự báo.
40 năm mới mua được lô đất Theo tính toán của ThS Nguyễn Đức Lập, với thu nhập bình quân đầu người ở Đà Nẵng, muốn sở hữu một lô đất nền ở khu đô thị với giá khoảng 3 tỉ đồng phải mất 30 - 40 năm. Chính vì thế, người dân có thu nhập trung bình ở Đà Nẵng mà chưa sở hữu nhà đất chỉ có thể tính toán tới việc tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, rất khó mua được đất nền. |
-
Đà Nẵng: Vay 45 triệu USD xây đường Vành đai phía Tây 2 và các hạ tầng giao thông khác
CafeLand – Sáng nay (28/8), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và ông Abdulhamid Alkhalifa, Tổng Giám đốc Quỹ Phát triển Quốc tế của Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OFID) đã ký kết Hiệp định tài trợ 45 triệu USD cho dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng”.
-
Bất ngờ với giá đất nền các tỉnh sau đỉnh sốt, liệu đã đến lúc để mua vào?
Theo VARS, nhiều địa phương đã bắt đầu xuất hiện giao dịch đất nền trong quý 3. Tuy nhiên, giá đất nền chủ yếu đi ngang, một số khu vực cắt lỗ mạnh từ 30 – 50%.
-
Tất tay mua đất ven đô, rao bán lỗ 8 tháng không ai hỏi
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng về không gian sống sinh thái sau những đợt giãn cách do Covid-19, nhiều người đã không ngại vay hàng tỷ đồng để đầu tư đất ven đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra khá phũ phàng khi nhiều lô đất được rao bán nửa ...
-
Điều gì sẽ xảy ra với thị trường bất động sản khi bắt buộc giao dịch đất nền phải qua sàn?
Lâu nay bất động sản giao dịch qua sàn chủ yếu là sản phẩm hình thành trong tương lai, chưa có quyền sử dụng đất (QSDĐ). Loại hình này vẫn được chuyển nhượng một cách tự do, thiếu kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ luỵ gây nhiễu loạn thị trường như đầu cơ, ...