TPHCM đang muốn hướng ra biển để từ đó tìm phương thức cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trần Minh
Quan điểm trên được Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ tại hội thảo "TPHCM - tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do thành phố phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30-3. Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm này và đã đưa ra những tham luận tư vấn thực hiện.
Cần Giờ cần được “đánh thức”
Cách trung tâm thành phố chừng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM giáp biển với chiều dài 23 km. Huyện rộng hơn 71.300 ha, trong đó 70% rừng ngập mặn và sông rạch; sở hữu nhiều làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, văn hoá - tín ngưỡng. Chính quyền TPHCM muốn xây dựng khu đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế tại đây, góp phần tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ được những lợi thế tự nhiên và văn hóa.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM ông Võ Văn Hoan, phát triển về hướng biển là mong muốn và ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TPHCM. Do đó, xác định định hướng chiến lược để TPHCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố.
"Do vậy, xác định hướng chiến lược để thành phố có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển kết nối quốc tế, khu vực trở thành nhu cầu cấp thiết. Vì Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành Thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận", ông Hoan nói.
Mô hình tăng trưởng tương lai của TPHCM cần kết nối vùng để đẩy mạnh kinh tế biển, cảng biển gắn chuỗi đô thị biển. Trong đó, vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức phát triển của thành phố, tức là chuyển từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển. Khu đô thị du lịch Cần Giờ là động lực mới để thành phố đi lên.
Trong khi đó, chuyên gia quy hoạch, KTS. Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, ý tưởng này không phải gần đây mới được đề cập, mà đã được theo đuổi từ cách đây hai thập niên. Năm 2002, Cố Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt, người đã dành tâm huyết nhiều năm cho bảo vệ và phục hồi rừng Cần Giờ, đã có phân tích về lợi ích của việc phát triển ở Cần Giờ thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Anh dẫn lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Khu đô thị này tầm cỡ không chỉ đối với nước ta mà ít ra cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Có thể so sánh Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia với một dạng khác của Nam Bộ. Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển không có nghĩa là để ngủ quên các tiềm lực khác của Cần Giờ”.
Theo các chuyên gia TPHCM cần dựa trên hai điểm chốt của mình để xác lập cân bằng vùng. Điểm thứ nhất là khu vực quanh cảng Hiệp Phước của huyện Nhà Bè không chỉ phát triển các cảng hiện đại, công nghệ cao mà cần phát triển các dịch vụ đồng hành của cảng thương mại. Điểm thứ hai là đô thị biển Cần Giờ sẽ phát triển đô thị du lịch - ngoại thương. Đây là nơi cung cấp điểm giao dịch cho thương gia hoạt động liên quan toàn bộ hệ thống cảng thị Cần Giờ xung quanh.
Hai điểm này cùng với trung tâm TPHCM hình thành trục giữa của hệ thống cảng thị quanh vịnh Cần Giờ, cung cấp cho hệ thống này những thứ mà các cảng thị công nghiệp không thể có được, đó là tri thức, sáng tạo, công nghệ mới, chất lượng sống tốt”, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh đề xuất.
Phát triển hệ sinh thái biển cộng sinh
Hầu hết chuyên gia ủng hộ TPHCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển nhưng cần có định hướng cụ thể để không tác động đến môi trường và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động.
Giáo sư, TS. Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đưa vào phát triển kinh tế biển vịnh Cần Giờ là cảng và đô thị lấn biển cần áp dụng những công nghệ biển hiện đại nhất thế giới. Điều này để vùng TPHCM trở thành thành phố cảng cửa ngõ lớn của thế giới và đảm bảo các quan điểm của đô thị sinh thái chung cho những tỉnh tiếp giáp rừng ngập mặn.
Bài toán môi trường sinh thái cũng cần được tính toán kỹ khi phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Trần Minh
“Phát triển kinh tế biển và cảng, chuỗi đô thị vịnh Cần Giờ là góp phần đảm bảo an ninh khu vực bằng chính sách phát triển kinh tế biển từ kết nối vùng là hướng đi đúng đắn, lâu dài. Trước mắt là có điều kiện để xây dựng được cơ chế liên kết vùng cho 8 địa phương có liên quan trong khu vực”, ông Huây cho hay.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, cho rằng trên thế giới họ đã làm như vậy, nghĩa là phát triển các thành phố về hướng biển. Cần Giờ tiến ra biển nhưng vẫn giữ được môi trường, hệ sinh thái. Đồng thời tiến tới liên kết vùng khi tiến ra biển để hình thành hệ sinh thái biển, bao gồm một hệ sinh thái cộng sinh, nương nhờ nhau, dựa vào nhau để sống, tạo thành địa giới hành chính vượt qua TPHCM.
“Phát triển kinh tế biển sẽ giúp kinh tế TPHCM cất cánh nếu chúng ta bước ra biển đúng cách khi thành phố không còn bó buộc ở đất liền mà có thể chế ngự vùng biển trước mặt”, ông Võ nói
Cùng quan điểm, PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, cùng với hệ thống cảng, sân bay như Cát Lái, Hiệp Phước - Long An, Long Thành và các đô thị vệ tinh Nhơn Trạch - Long Thành, Khu đô thị Tây Bắc, TP Vũng Tàu, huyện Gò Công Đông, vịnh Cần Giờ là một trong động lực phát triển cho TPHCM. Nơi đây hội đủ tiềm năng, lợi thế hình thành "chuỗi đô thị biển" kết nối Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.
Việc sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới và mặt tiền biển rộng 42.000 km2, khu vực vịnh Cần Giờ có điều kiện trở thành trung tâm đô thị biển hiện đại, du lịch sinh thái tầm vóc khu vực và quốc tế. "Tuy nhiên, các bài toán phân tích chi phí, lợi ích và hiệu quả kinh tế khi TPHCM tiến ra làm chủ vịnh Cần Giờ cần được xem xét ở nhiều góc độ để đem lại hiệu quả cao nhất", ông Thế Anh nói.
TPHCM chiếm 37% GRDP của các thành phố ven biển TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, là một thành phố có biển, TPHCM đóng vai trò đầu tàu trong các tỉnh, thành ven biển cũng như cả nước. Năm 2020, thành phố chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước. Theo ông Hiển, thời gian qua nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về phát triển kinh tế, đô thị biển. Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng khóa 12 xác định mục tiêu năm 2030, kinh tế biển góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm 65% đến 70% GDP cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, an toàn... |
-
Cần Giờ có gì mà đề xuất làm sân bay?
CafeLand – Cần Giờ có tiềm năng để phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái nhờ hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn. Thế nhưng, hàng chục năm qua huyện đảo duy nhất của TP.HCM vẫn chưa thể trở mình như kỳ vọng.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.