15/03/2021 10:10 AM
CafeLand – Cần Giờ có tiềm năng để phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái nhờ hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn. Thế nhưng, hàng chục năm qua huyện đảo duy nhất của TP.HCM vẫn chưa thể trở mình như kỳ vọng.

Sở GTVT TP.HCM mới đây có đề xuất nghiên cứu bổ sung sân bay nhỏ ở Cần Giờ để tăng kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) tương lai, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cụ thể, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng Đường bộ Sở GTVT TP.HCM đề cập về các đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung sân bay cỡ nhỏ (sân bay trực thăng) cho huyện Cần Giờ.

Theo ông Hưng, huyện Cần Giờ ngoài lợi thế sở hữu khu du lịch lớn đến 2.800 ha, đây cũng là một trong 4 khu đô thị mới được đề xuất quy hoạch. Việc bổ sung sân bay sẽ tăng phương thức kết nối giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đến khu du lịch Cần Giờ; đáp ứng nhu cầu dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế, xã hội khu vực.

Cần Giờ có gì?

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, có hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam vào tháng 01/2000.

Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhà Bè về phía tây bắc; giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía đông và đông bắc; Giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía tây; Còn phía nam của Cần Giờ thì giáp với Biển Đông.

Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, địa phương này có tổng diện tích tự nhiên 70.421ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn TP.HCM, trong đó đất lâm nghiệp là 32.109ha, chiếm 46,45% diện tích toàn huyện; đất sông rạch là 22.850ha, bằng 32% diện đất toàn huyện.

Ngoài ra, Cần Giờ còn có trên 5.000ha diện tích trồng lúa, cây ăn trái, cây cói và làm muối. Đặc điểm nổi bật về thổ nhưỡng của Cần Giờ là phèn và mặn. Vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, trong đó chủ yếu là cây đước, cây bần, mắm…

Về hành chính, Cần Giờ có bảy xã và thị trấn, gồm Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh. Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Cần Thạnh. Dân số hiện nay của Cần Giờ khoảng gần 75.000 người.

Một báo cáo năm 2016 cho biết, thu nhập bình quân đầu người của huyện đảo này là 38,2 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Cần Thạnh được xem là trung tâm, là nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất hiện nay của Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài những tòa nhà trung tâm hành chính đang được xây dựng nằm trên đường Lương Văn Nho, thì khu vực trung tâm thị trấn chỉ có một khu chợ, một siêu thị Co.opmart nhỏ, một vài nhà hàng kinh doanh hải sản ven biển là đáng chú ý.

Dù là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển, nhưng bãi biển Cần Giờ cũng có nhiều hạn chế như hẹp, không có bãi tắm, nhiều đá sỏi, rác và nước biển không được sạch như các nơi khác.

Một số dự án bất động sản đã được “đánh dấu” nhưng hiện chưa có động tĩnh triển khai. Một số khác đã đi vào hoạt động nhưng chỉ cầm chừng, lượt khách ít ỏi, thậm chí nhiều khu được triển khai nhiều năm nhưng nay chỉ bỏ hoang.

Ghi nhận thực tế, lượng du khách đổ về Cần Giờ chỉ tập trung vào các dịp lễ hoặc những ngày cuối tuần. Du khách chủ yếu là những nhóm nhỏ, những người trẻ thích du lịch trải nghiệm.

Những dự án nghìn tỉ còn trên giấy

Theo nhiều chuyên gia, Cần Giờ đến nay vẫn chưa thể “thay da đổi thịt” như kỳ vọng là bởi những hạn chế về kết nối giao thông. Hiện nay, mọi phương tiện từ TP.HCM qua Cần Giờ đều phải di chuyển bằng phà. Đầu năm 2021, tuyến phà vượt biển nối Cần Giờ với Tp Vũng Tàu chính thức đi vào hoạt động giúp người dân có một hướng mới để di chuyển.

Tuy nhiên, dự án được người mong chờ hơn cả là cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh thì vẫn bất động dù đã được lên kế hoạch từ lâu.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Trong đó có dự án xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh.

Theo đó, cây cầu này sẽ được xây dựng tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, vượt sông Soài Rạp. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3km với vốn đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng. Đây là loại đường trục đô thị, với vận tốc cho phép là 60km/h. Mặt cắt ngang đường 40m đảm bảo 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Theo kế hoạch cầu được thực hiện từ năm 2017 - 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Giữa năm 2020, trong buổi tiếp xúc cử tri Cần Giờ, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, dự án xây cầu Cần Giờ dự kiến sẽ khởi công vào năm 2022 và hoàn thành cuối năm 2025.

Bên cạnh cầu Cần Giờ, dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ được xem là “trái tim” của huyện đảo nhưng đến nay vẫn chưa thể “đập” dù đã xuất hiện hơn chục năm. Đây là dự án khu đô thị tầm cỡ, nếu được triển khai hứa hẹn sẽ giúp Cần Giờ lột xác hoàn toàn.

Tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng. Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã ban hành 4 quyết định duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ. Theo đó dự án được phân chia thành các phân khu A, B, C, D, E với những chức năng khác nhau như khu vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng; khu nhà ơ; khu trung tâm tài chính kinh tế…

Tuy nhiên, để Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trở thành thực tế như kế hoạch đề ra thì vẫn cần thêm thời gian dài.

Tâm của sốt đất

Trong những năm qua, Cần Giờ là một trong những khu vực thường xuyên diễn ra tình trạng sốt đất. Cứ sau mỗi thông tin về việc triển khai xây dựng cầu hay quy hoạch khu đô thị lấn biển thì giá đất Cần Giờ lại được dịp tăng mạnh. Trong đó, tăng mạnh nhất là khu vực trung tâm thị trấn Cần Thạnh. Thời điểm sốt đất, mặt tiền đường Duyên Hải có giá từ 40 – 50 triệu đồng/m2. Các tuyến đường khác như Tắc Xuất, Lương Văn Nho hay Thành Thới giá bán cũng dao động từ 20 – 25 triệu đồng/m2…

Giám đốc một công ty bất động sản cho biết, cũng như nhiều khu vực khác, hiện tượng sốt đất ở Cần Giờ trong những năm qua có nhiều dấu hiệu lo ngại, có bàn tay thổi giá của một lực lượng đầu cơ, cò đất. “Bắt nguồn từ những thông tin chưa rõ ràng, những ý tưởng dưới dạng đề xuất về một dự án hạ tầng, đô thị nhưng thông qua đội lái đã biến thành cơn sốt đất ảo”, ông này cho biết.

  • Cần Giờ sẽ có sân bay?

    Cần Giờ sẽ có sân bay?

    CafeLand – Để phát triển kinh tế - xã hội và kết nối Cần Giờ với các khu đô thị trong khu vực cần có một sân bay cỡ nhỏ được xây dựng tại huyện đảo này.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.