CafeLand – Chỉ còn vài tuần nữa là tới Tết Nguyên Đán, đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất trong năm đối với những hộ dân kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, việc những con đường bị đào bới, lô cốt dựng ngay trước mặt cửa hàng đã “bít cửa” làm ăn và gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật của người dân.

Hình ảnh những con đường bị xới tung, lô cốt dựng dày đặc không hề xa lạ với người dân tại TP.HCM. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm việc thi công diễn ra đồng loạt trên nhiều tuyến đường khác nhau.

Trên đường Nguyễn Thái Sơn, Bạch Đằng (quận Tân Bình) hàng rào chắn kéo dài để thi công dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Nhiều hàng quán hai bên đường gặp rất nhiều khó khăn kinh doanh.

Theo phản ánh của những người dân tại đây, kể từ khi dự án được thi công tình hình kinh doanh trở nên bết bát. Anh Hoàng, một chủ quán cafe than thở: “Đường xá bị đào bới, bụi bám dày cả bàn nghế, lối vào quán cũng không có, bậc lên xuống giờ là cái rãnh sâu, cả chỗ để xe cũng không có ngay cả mình cũng không muốn vào chứ nói gì tới khách”.

Chủ một quán ăn cho biết, nếu trước đây mỗi ngày quán có khoảng hơn 100 khách thì nay chỉ lèo tèo vài khách. “Buôn bán ế ẩm nhưng cũng phải ráng chứ nghỉ rồi biết làm gì ăn, mình đã ký hợp đồng thuê mặt bằng nay nghỉ ngang coi như mất luôn”, chị này cho biết.

Cũng theo chủ quán này, nhiều cửa hàng bắt buộc phải tạm đóng cửa vì nếu có mở thì khách muốn ra vào tiệm cũng rất khó khăn.

Không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh, buôn bán việc đường xá bị đào bới gây ra rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật của người dân trên các tuyến đường này.

Đường Trần Não (quận 2) cũng đang được cải tạo lại mặt đường và thi công hệ thống cống, cáp ngầm. Hiện con đường này vẫn lởm chởm sỏi đá, hai bên đường ngổn ngang vật liệu, những đống cát, đá sỏi đổ chắn luôn cả lối ra vào cửa hàng buôn bán. Chủ cửa hàng điện thoại tại đây cho biết, đây là tháng làm ăn của cả một năm thế nhưng việc đường xá bị đào bới gây rất nhiều khó khăn cho cửa hàng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trên địa bàn đang có 27 tuyến đường thi công các công trình với 47 lô cốt chiếm dụng mặt đường vỉa hè. Cụ thể, gồm: dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang thi công trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), Lê Lợi, Tôn Đức Thắng (quận 1) và xa lộ Hà Nội (quận 2, 9, Thủ Đức); dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đang thi công trên đường Bạch Đằng (quận Gò Vấp); dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Quá (quận 12); dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9); dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Não (quận 2); dự án xây dựng hệ thống thoát nước và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh); dự án thi công cầu Kênh Lộ (huyện Nhà Bè); dự án nâng cấp sửa chữa Tỉnh lộ 9 và dự án lắp đặt tuyến ống cấp nước thô phi 1.500 mm (huyện Củ Chi); dự án sửa chữa nâng cấp Hương lộ 70 (huyện Hóc Môn); dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 5). Ngoài ra, có hàng chục tuyến đường đào lằn phui (rộng 0,5-0,7m) để lắp đặt cáp điện lực, viễn thông, cấp nước... đang thi công ở các quận 3, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận.

Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, kinh doanh và vui chơi của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có thông báo tạm ngưng thi công tất cả các công tác đào đường để lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố trong thời gian kể từ ngày 27/01/2016 (18 tháng Chạp) đến hết ngày 15/02/2016 (mùng 8 Tết).

Chủ đầu tư tất cả các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm đôn đốc đơn vị thi công khẩn trương dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên trạng mặt đường kể từ ngày 27/01/2016 (18 tháng Chạp) đến trước ngày 01/02/2016 (23 tháng Chạp). Riêng đối với các công trình trọng điểm có kế hoạch tổ chức thi công, tồn tại rào chắn trong dịp Tết Nguyên Đán, các chủ đầu tư báo cáo cụ thể, gửi về Sở Giao thông Vận tải trước ngày 15/01/2016 để xem xét, giải quyết.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.