CafeLand - Các sản phẩm chung cư gắn mác cao cấp được chào bán với giá cao ngất ngưởng nhưng chất lượng chỉ ngang ngửa nhà bình dân là một trong những nguyên nhân thổi bùng tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư thời gian qua.

Nếu muốn biết độ “phủ sóng” của các sản phẩm mang danh hạng sang đến đâu, hãy thử gõ từ khoá “chung cư cao cấp”, chỉ sau 1 giây, google sẽ trả về hàng triệu kết quả. Trong đó hầu hết là các bài viết quảng cáo với những mỹ từ đầy hấp dẫn về các dự án chung cư như “nơi ước đến – chốn mong về”, “top những chung cư cao cấp nhất”, “không gian sống thượng lưu”…

Tuy nhiên, để ý sẽ thấy, bên cạnh những bài quảng cáo hoa mỹ đó, là những phản ánh về một bức tranh không mấy tươi sáng của các chung cư được cho là cao cấp hiện nay như tranh chấp, mất điện, mất nước, chất lượng dịch vụ kém, hành lang hẹp, “xù” quỹ bảo trì, trộm cướp “viếng thăm”…

Điển hình trong số đó, phải kể đến cuộc phản đối của hàng trăm cư dân tương lai ở dự án D’Capitale (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư vào hồi tháng 9 vừa qua. Căn nguyên bởi sau khi được “tận mục sở thị” căn hộ thực tế, 100% khách hàng đều vô cùng bức xúc. “Hành lang quá hẹp, chỉ khoảng hơn 1m4, không có điều hòa, trần nhà quá thấp, bí và nóng, thang máy không đảm bảo phục vụ cư dân, thang bộ thoát hiểm rất nhỏ, chỉ hơn 1m2” là phản ánh chung của các cư dân tương lai tại dự án này.

Một cư dân khác cho biết, họ cảm giác bị lừa và quá sốc bởi căn hộ thực tế khác xa so với quảng cáo của chủ đầu tư và môi giới trước đó về một căn hộ “chuẩn 5 sao”, giá “trên trời”. Theo đó, để sở hữu căn hộ tại đây, khách hàng đã phải bỏ ra số tiền “khủng” (trung bình 60 triệu đồng/m2), mỗi căn hộ có giá không dưới 3 tỉ đồng.

Theo lý giải của chủ đầu tư, chiều rộng hành lang căn hộ tại D’. Capitale được duyệt là 1,5m (thiết kế chưa bao gồm lớp trát), và thực tế chiều rộng là 1,47m vì có 2 lớp trát tường mỗi bên 1,5cm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN4451:2012 đối với hành lang dưới 40m. Việc không sử dụng hệ thống điều hòa hành lang cũng tiết kiệm điện và chi phí vận hành, bảo dưỡng thay thế cho cư dân.

Ngoài ra, chủ đầu tư đang xem xét đề nghị lắp điều hòa thang máy. Nếu điều kiện, thông số về kỹ thuật đáp ứng được, chủ đầu tư sẽ bổ sung những trang thiết bị này và sẽ sớm thông báo cho các khách hàng, mặc dù trong thiết kế ban đầu không dự trù trang thiết bị điều hòa trong tất cả các thang máy của dự án.

Ngoài dự án của Tân Hoàng Minh, khảo sát nhanh trên thị trường hiện nay cũng bắt gặp không ít các vụ tranh chấp có sự góp mặt của các “chung cư cao cấp”.

Vào giữa tháng 8 vừa qua, vì quá bất lực trước sự bội tín của chủ đầu tư, nhiều cư dân chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã đội mưa tập trung tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group yêu cầu chủ đầu tư trả lại 2% quỹ bảo trì bị “om” 5 năm nay.

Cư dân Starcity Lê Văn Lương đội mưa đòi 2% quỹ bảo trì.

Theo đó, Ocean Group - đơn vị hợp tác với chủ đầu tư triển khai dự án đã thu 2% quỹ bảo trì từ người mua nhà, tương đương 18 tỉ đồng từ khi bán các căn hộ. Tuy nhiên, khi dự án được bàn giao vào năm 2014, số tiền này vẫn bị chiếm dụng dù cư dân nhiều lần gây áp lực để đòi. Sau nhiều lần được cơ quan quản lý yêu cầu thì tập đoàn này mới bàn giao 2,5 tỉ đồng quỹ bảo trì. 16 tỉ đồng còn lại, doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao cho cư dân và liên tục hứa hẹn trong khi cư dân không có kinh phí để bảo dưỡng một số hạng mục đã xuống cấp.

Hay đầu năm nay, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Ecolife Capitol (58 Tố Hữu, Hà Đông) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư khi gửi đơn phản ánh đến báo chí đã tỏ rõ sự thất vọng về cuộc sống được hứa hẹn “tiện nghi, đẳng cấp, hoà mình vào thiên nhiên” tại đây.

Theo phản ánh của các cư dân, khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, khách hàng được giới thiệu là khu chung cư cao cấp với hơn 64 tiện ích đồng bộ, phục vụ nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, bàn giao từ tháng 5-2017 thì rất nhiều tiện ích bị thiếu và không có như bể bơi bốn mùa.

Ngoài ra, cư dân cho biết, các sản phẩm, thiết bị trong căn hộ được nêu trong hợp đồng cũng bị chủ đầu tư thay bằng các thiết bị rẻ tiền hơn, bồn tắm nằm thành vách tắm kính…

Ngoài chất lượng dịch vụ, tiện ích không tương xứng, cư dân tại đây còn phản ánh chủ đầu tư bàn giao hàng trăm căn hộ thiếu diện tích. Trước sự phản đối kịch liệt của cư dân, chủ đầu tư đã phải đo lại và hoàn tiền mỗi căn trung bình thiếu khoảng 1,7m2 và tiền vật liệu thay thế.

Mặc dù theo đại diện chủ đầu tư, những bất cập mà cư dân phản ánh “đã được giải quyết ổn thoả” nhưng chắc hẳn đây là “ấn tượng” xấu khiến khách hàng phải đánh giá lại một dự án được cho là cao cấp.

Dự án Ecolife Tây Hồ được quảng cáo là chung cư cao cấp với giá bán hàng tỉ đồng. Ảnh: Cao Thuỳ

Tương tự như dự án Ecolife Tây Hồ, mặc dù được quảng cáo “giao thông thuận lợi” nhưng sau khi nhận nhà, cư dân phát hiện chung cư chưa có đường đi, chưa có bể xử lý nước thải như cam kết. Dù bỏ ra hàng tỉ đồng để sở hữu căn hộ nhưng đến nay sau 2 năm nhận nhà, đường vào dự án vẫn chưa được xây dựng. Để di chuyển, người dân phải đi qua một con đường đất lởm chởm có mặt cắt ngang chưa đầy 5m, phải đi chung với hàng trăm lượt xe tải cỡ lớn ra vào các dự án khu đô thị Tây Hồ Tây. Ngày nắng thì bụi dày bao phủ, còn khi mưa thì đường lầy lội, trơn trượt.

Dự án có một con đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công, chạy qua chung cư EcoLife, nhưng doanh nghiệp không thể can thiệp vào tiến độ thi công con đường trên vì dự án do thành phố Hà Nội đầu tư.

Ngoài ra theo phản ánh của cư dân, vào tháng 8 vừa qua, họ phải sống trong cảnh mất nước.

Theo giải thích từ phía chủ đầu tư, dự án Ecolife Tây Hồ nằm trong quy hoạch tổng thể dự án Tây Hồ Tây do vậy việc khớp nối hạ tầng sẽ được thực hiện cùng với dự án Tây Hồ Tây. Phía chủ đầu tư cũng cho biết họ đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét để sớm hoàn thiện kết nối hạ tầng với các dự án lân cận.

Nếu biết phải bỏ gần 3 tỉ đồng trở lên cho mỗi căn hộ tại Ecolife Tây Hồ để ngày ngày di chuyển qua con đường này, khách hàng liệu có "xuống tiền"? Ảnh: Cao Thuỳ

Vấn đề đặt ra là, tại sao chủ đầu tư biết dự án nằm trong quy hoạch tổng thể Tây Hồ Tây, việc khớp nối hạ tầng phải "đợi" các dự án khác nhưng vẫn quảng cáo với khách hàng là "giao thông thuận lợi", phải chăng đây là cách thức để thu hút khách hàng? Trước thắc mắc này, đại diện chủ đầu tư chưa đưa ra giải thích thoả đáng.

Trao đổi với CafeLand, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, hiện nay mác “cao cấp” đang bị nhiều doanh nghiệp lạm dụng.

"Một chung cư cao cấp không chỉ là các điều kiện về chất lượng xây dựng, tiện ích xung quanh, giao thông mà còn chú trọng đến từng chi tiết như hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, hệ thống an ninh, hàng lang, sảnh tầng...", ông Đực cho biết.

Trong đó, theo ông Đực, hành lang, sảnh tầng là một không gian trước thang máy rất cần thiết, phải đảm bảo đủ khoảng lùi để người chờ thang máy và người đi qua lại. Thế nhưng đây lại là hai bộ phận bị các chung cư cao cấp "ăn cắp" để giảm tối thiểu, mất tiện ích của người dân, mất tiện lợi của người dân khi đi lại nhất là khi có sự gấp rút.

“Chính sự quá đà, vô trách nhiệm trong việc gọi tên và quảng cáo sản phẩm khiến các khách hàng bị nhầm lẫn là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay”, ông Đực nói và cho rằng, việc "tự phong" cao cấp để bán giá cao hơn chất lượng đó là lừa dối khách hàng.

Cao Thuỳ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.