CafeLand – Căn hộ thấm dột, nhiều tòa nhà xuống cấp nứt nẻ nghiêm trọng, thiếu các tiện ích, ô nhiễm nước, rác thải, mất an ninh… Đó là những gì mà người dân đang sinh sống ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang phải đối mặt mỗi ngày.

Dự án tái định cư Vĩnh Lộc B xuống cấp nghiêm trọng

Nhà xuống cấp, thiếu tiện ích

Sau cơn mưa lớn, những con đường đất dẫn vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B lầy lội bùn đất. Mặt đường hư hỏng nặng, với những ổ voi, ổ gà khiến mọi phương tiện di chuyển rất khó khăn.

Con đường vào khu tái định cư nát như tương

“Trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì lầy lội, dơ bẩn. Đã nhiều năm qua tình trạng này không thay đổi, dù có sửa chữa nâng cấp vài lần nhưng đường vẫn hư hỏng nặng nề”, Ông Hùng, một người dân Vĩnh Lộc B cho biết.

Bên trong khu tái định cư, hàng chục tòa nhà mọc lên san sát nhau nhưng chỉ một vài block là có bóng dáng người dân vào ở. Phần lớn đều đang bỏ không và xuống cấp rõ rệt sau nhiều năm.

Chỉ tay vào vết nứt kéo dài dưới chân một nhà chung cư, ông Hùng cho biết, hầu hết mọi tòa nhà ở trong khu tái định cư này đều hư hỏng tương tự. Nhiều hạng mục như đường điện, nước, cống thoát nước cũng gặp vấn đề.

Tình trạng xuống cấp ở rất nhiều tòa nhà trong khu tái định cư

Mưa lớn khiến một vài tuyến đường trong khu tái định cư bị ngập trong nước, rác thải để lâu ngày chất thành đống, bốc mùi hôi thối.

Ông Vũ, một cư dân khác cho biết thêm, không chỉ bên ngoài, trong các căn hộ cũng xuất hiện dấu hiệu xuống cấp như rạn nứt tường, thấm nước.

“Chúng tôi đã phải kêu ở nhiều nơi nhưng mãi mới có người xuống sửa. Nhưng họ sửa cũng chỉ qua loa, đường ống nước đáng lý âm vào tường thì nay lại chạy nổi trên nhà trông rất mất thẫm mỹ. Nguồn nước sinh hoạt cũng không đảm bảo”, ông Vũ nói.

Rác thải chất đống bốc mùi ô nhiễm chưa được thu dọn

Theo phản ánh của cư dân tại đây, điều khiến họ thất vọng nhất chính là đã về ở nhiều năm nhưng không có các dịch vụ tiện ích để sử dụng. Bên trong khu tái định cư chỉ có một siêu thị, trường học còn lại những tiện ích khác như khu vui chơi, công viên, trung tâm y tế, chợ... đều không có.

Bên cạnh đó, khu tái định cư Vĩnh Lộc quá rộng lớn nhưng có rất ít bảo vệ nên không thể kiểm soát được người lạ ra vào. Nơi đây đã từng xảy ra các vụ trộm cắp. Những tòa nhà chưa có người ở trở thành nơi tụ tập của nhiều đối tượng lạ mặt khiến người dân rất hoang mang.

Đau đầu vì không có việc làm

Có một thực tế dễ nhận ra khi đến khu tái định cư Vĩnh Lộc B là rất nhiều người ở nhà cả ngày vì không có việc làm. Người dân ở đây cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển về nơi mới, trong đó đau đầu nhất là tình trạng phải “ăn không ngồi rồi” cả ngày.

Rác thải tràn ra lề đường bên trong khu tái định cư Vĩnh Lộc

Bà Hoa, chủ một quán nước giải khát tại đây cho biết, lúc trước nhà ở quận 6 công việc của bà là buôn bán cá ngoài chợ, lên đây vì không kiếm được việc gì làm nên mở quán nước nhỏ để buôn bán. Tuy nhiên, quán nước thỉnh thoảng mới có người ghé qua, chủ yếu là mở ra để cho đỡ buồn chán.

Theo bà Hoa, đã có không ít người khi lên đây ở được một thời gian nhưng sau đó lại chuyển về khu trung tâm thuê trọ ở. Phần lớn người dân lên đây là người nghèo, dân lao động chân tay ở đây không có việc gì làm phải về lại trung tâm kiếm việc.

Bà Vinh, một cư dân khác cho biết, lúc trước ở trung tâm thành phố tuy nhà cửa có chật chội một chút nhưng gia đình của bà vẫn sống khỏe vì ai cũng có công ăn việc làm.

“Tôi bán hàng ăn buổi sáng ở lề đường, chồng chạy xe ôm, mấy đứa con cũng có việc làm, đứa nhỏ cũng có thể kếm tiền nhờ đi bán vé số, bán đồ ăn dạo. Lên đây thì không biết làm gì”, Bà Vinh nói.

Được biết, từ năm 2004, UBND TP.HCM đã giao Ban quản lý đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị thành phố làm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Dự án có quy mô 31ha bao gồm 45 lô chung cư (1.939 căn hộ) và 529 nền bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ thực hiện 462 dự án về nhà ở, hạ tầng, chỉnh trang đô thị và cải tạo chung cư cũ với nhu cầu tái định cư lên đến khoảng 28.000 trường hợp. Trong đó, sẽ ưu tiên dành quỹ nhà cho chương trình di dời 10 nghìn hộ dân sống ven kênh, rạch và các chung cư cũ. Riêng chương trình giải tỏa nhà ven kênh, rạch từ nay đến năm 2025 cần đến 20.000 căn tái định cư.

Trước đó, trong báo cáo về hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 – 2020 của TP.HCM do Kiểm toán Nhà nước cho biết, thành phố đang lãng phí hàng nghìn tỉ đồng, với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư.

Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Cụ thể, khu tái định cư Vĩnh Lộc B dự kiến đầu tư là 2004 – 2005, nhưng tiến độ chậm, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỉ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu. Tính đến 28/11/2017, dự án mới bố trí được 479/1.939 căn hộ, đạt 24,7%.

Theo Kiểm toán Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến các dự án tái định cư không đạt hiệu quả là do người dân không chấp nhận phương án chính quyền đưa về tái định cư như quá xa trung tâm thành phố, hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện, không giải quyết được nhu cầu việc làm tại chỗ cho người dân.

Chủ đề: Tái định cư,
Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.