04/06/2021 8:28 AM
CafeLand - Đại dịch toàn cầu có thể là chất xúc tác cho những tiến bộ có ý nghĩa trong các lĩnh vực như xây dựng xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và quy hoạch đô thị tại châu Á.

Chiến tranh, nạn đói, hỏa hoạn, động đất và đại dịch là những cuộc khủng hoảng đã tạo ra, tái định hình và hồi sinh các thành phố trên khắp thế giới trong nhiều thiên niên kỷ qua. Chúng đã buộc các chính phủ phát triển khả năng phục hồi khi phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng; thay đổi mối quan hệ của con người bên trong các thành phố; và ảnh hưởng đến quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị. Khi đại dịch toàn cầu bước sang năm thứ hai, những câu hỏi lớn đang được đặt ra là các đô thị lớn nhất châu Á sẽ phản ứng ra sao với cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử gần đây.

Gần 46% dân số đang sống ở các khu vực thành thị và hơn một nửa số siêu đô thị trên thế giới nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương

Kể từ đầu thế kỷ này, châu Á chứng kiến tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Theo Liên Hợp Quốc, gần 46% dân số hiện đang sống ở các khu vực đô thị và hơn một nửa số siêu đô thị trên thế giới nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương. Đối với hàng triệu người, các đô thị mang lại hy vọng về việc làm với mức lương cao hơn, cuộc sống tốt hơn và tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế - xã hội tại những nơi này thường không đồng đều và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng.

Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, nhà ở, y tế, giáo dục và vệ sinh tại các thành phố đang không theo kịp tốc độ tăng dân số nhanh nhất từng được ghi nhận. Đại dịch đã khiến chi phí mất đi do những thất bại trong quản lý đô thị giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, nó cũng mang đến cơ hội cho những nhà hoạch định để viết lại tương lai của đô thị và cuộc sống của hàng triệu người.

Sự suy thoái của môi trường tự nhiên đã làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Xét mối quan hệ nội tại giữa cuộc khủng hoảng về khí hậu và đại dịch hiện nay, nhiều người tin rằng cần ưu tiên giảm thiểu tác động của khí thải carbon trong tương lai. Theo khảo sát, lĩnh vực xây dựng đang đóng góp tới 40% khí thải carbon. Các giải pháp bao gồm tập trung xây dựng nhà ở không carbon, đổi mới trang thiết bị, và hướng tới giao thông bền vững để đảo ngược thiệt hại do phát triển đô thị thiếu quy hoạch gây ra. Đồng thời, thiết lập một quy hoạch chi tiết và linh hoạt hơn cho các thành phố của châu Á.

Prashant Kapoor, chuyên gia trưởng trong lĩnh vực thành phố và tòa nhà xanh tại World Bank cho biết: “Đại dịch và tình trạng khẩn cấp về khí hậu là những tác nhân quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai giảm khí thải carbon và tăng khả năng phục hồi. Trong nỗ lực phối hợp nhằm giảm tác động của quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch, chính quyền tại từng địa phương có thể làm việc với các nhà phát triển, kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch thông qua các chính sách, khuyến khích và chiến lược. Về mặt chính sách thì phương pháp tiếp cận kiểu cây cà rốt và cây gậy có thể sẽ hiệu quả”.

Các cộng đồng cư dân sôi động tại Bangkok và sự phong phú của các tiện ích khiến nơi đây có thể trở thành “thành phố 15 phút”

Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà phát triển tại các thị trường mới nổi, nơi mà thiết kế xanh, khả năng phục hồi và thích ứng vốn được xem là một lựa chọn tốn kém. Các biện pháp khuyến khích của chính quyền địa phương có thể thúc đẩy việc sử dụng các công trình xanh, đảm bảo rằng các thành phố được thiết kế và phát triển để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự lây nhiễm dịch bệnh thông qua các sáng kiến làm sạch môi trường và mở cửa sổ để thông gió tự nhiên. Theo Kapoor, từng thành phố có thể ban hành sắc lệnh riêng trong khu vực hành chính do mình quản lý để phát triển tính bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Ông nói thêm: “Có một cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng, khi chúng ta buộc phải thay đổi cách nghĩ và cách làm. Đại dịch giúp các chính phủ, các nhà quy hoạch, kiến ​​trúc sư và những người tham gia vào lĩnh vực xây dựng cùng hợp tác thiết kế các thành phố theo cách có thể bảo vệ cả sức khỏe cộng đồng và môi trường”.

Mối liên hệ giữa quy hoạch đô thị và sức khỏe cộng đồng vốn đã được xây dựng từ thế kỷ 19, để giải quyết tình trạng mất vệ sinh và quá đông đúc của các thành phố công nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở nhiều thành phố của châu Á khiến điều này thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, các nhà lập kế hoạch, kiến ​​trúc sư và nhà hoạch định đã bắt đầu xem xét lại mối quan hệ này một cách nghiêm túc. Họ nỗ lực đưa ra các thiết kế nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất, tăng cường kết nối xã hội và tăng cường sức khỏe tinh thần trong từng khu vực nhỏ.

Theo thời gian, điều này được kỳ vọng sẽ tái định hình cuộc sống đô thị từ các khu thương mại trung tâm sang các trung tâm đô thị nhỏ hơn. Ý tưởng về các khu dân cư nhỏ với các tiện ích trong khoảng cách gần và khả năng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng đang được các nhà quy hoạch trên thế giới ủng hộ. Ngay trong đại dịch, London, Paris và Bogota đã nhanh chóng mở rộng vỉa hè và làn đường mới để phục vụ cho người đi bộ và đi xe đạp ngày càng tăng.

Các nhà quy hoạch đô thị ngày càng nhận thức sự cần thiết của việc phát triển đồng bộ tiện ích và không gian xanh cho người dân

Những sáng kiến ​​như vậy hy vọng gợi ý về một quá trình chuyển đổi nhanh chóng hướng tới giao thông bền vững ở các đô thị với cơ sở hạ tầng chất lượng cao hiện có như Singapore, vốn đã là một trong những thành phố xanh nhất thế giới. Nhưng cơ hội tương tự trong thời gian ngắn ở những nơi như Jakarta, Manila và Bangkok - nổi tiếng với những tắc nghẽn giao thông, không gian xanh hạn chế và ô nhiễm môi trường - vẫn còn rất xa.

Một số tín hiệu tốt đang xuất hiện ở Bangkok. Năm ngoái, thống đốc Bangkok, ông Asawin Kwanmuang, đã cam kết tăng không gian xanh trong thành phố, lên 6-9m2 trên một đầu người. Ông cũng tuyên bố sẽ giảm số lượng ô tô và tăng không gian đi bộ. Ông nói, mục tiêu là tái tạo “thành phố 15 phút” của Paris, nơi mọi người có thể đến nơi cần tới trong vòng một phần tư giờ đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Kiến trúc sư cảnh quan tại Bangkok, Kotchakorn Voraakhom cho rằng mục tiêu này có thể đạt được, nhưng cần phải tập trung nhiều hơn vào việc phát triển cây xanh trong thành phố và cân nhắc lợi ích của các cộng đồng địa phương.

“Về mặt địa lý, Bangkok là một thành phố 15 phút. Mọi người có thể rời khỏi nhà, ăn một số món ăn đường phố bên ngoài và mua hàng tạp hóa ở chợ địa phương. Vấn đề là 15 phút này không hề dễ chịu. Thành phố này không được thiết kế để đi bộ. Tuy nhiên, vấn đề nhỏ này có thể giải quyết dễ dàng. Nhưng trước tiên chúng ta cần thay đổi tư duy để mọi người lựa chọn đi bộ hoặc xe đạp hơn là lái ô tô hoặc xe máy”.

Các đô thị tại châu Á như Metro Manila đều thiếu quy hoạch phù hợp và cơ sở hạ tầng giao thông công cộng không đầy đủ

Một câu hỏi hóc búa khác mà các nhà quy hoạch đô thị đang đối mặt là liệu mật độ đô thị có giúp giải quyết các đại dịch trong tương lai hay không. Một số người tin rằng việc tăng mật độ tại đô thị vẫn cần thiết để cải thiện tính bền vững của môi trường. Trong khi những người khác lại lựa chọn việc giãn dân ra các vùng xung quanh, hiện được coi là công cụ quan trọng để ngăn sự lây nhiễm Covid-19.

Kapoor nói. “Ở những khu vực đô thị đông đúc, nơi phủ sóng internet tốc độ cao và dịch vụ giao hàng tận nơi thuận tiện với giá cả cạnh tranh, người dân sẽ dễ dàng ở nhà hơn và tránh tiếp xúc không cần thiết với người khác”.

Thật vậy, việc tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong các thành phố là một hệ quả khác của đại dịch và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tái định hình các đô thị. Hàn Quốc, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này, lại duy trì được tỷ lệ tử vong thấp nhất. Điều này có được phần nào là do các công nghệ đã giúp lập bản đồ dịch bệnh và theo dõi sự di chuyển của các bệnh nhân. Tại Trung Quốc, các nhà chức trách đã viện tới các công ty công nghệ như Alibaba và Tencent để theo dõi sự lây lan của virus bằng cách sử dụng phân tích Big Data để dự đoán nơi các cụm dịch bệnh sẽ xuất hiện tiếp theo.

Khi các thành phố tiếp tục phát triển, phúc lợi của người dân thành thị có thể được giải quyết bằng các công nghệ phù hợp

Với tầm nhìn dài hạn hơn, Tim Kobe, người sáng lập công ty thiết kế toàn cầu Eight Inc, tin rằng các khu đô thị mật độ cao sẽ tiếp tục hướng tới những đám mây - cả về mặt kỹ thuật số và vật lý.

Ông nói: “Trong lịch sử, chúng ta đã giải quyết các vấn đề cuộc sống ở đô thị bằng cách mở rộng không gian theo chiều dọc sang chiều thứ ba. Đây sẽ là không gian duy nhất giúp giải quyết sự gia tăng và mật độ dân số tại các thành phố lớn trên thế giới”.

“Các không gian trước đây từng dành cho ô tô có thể hỗ trợ các hoạt động đạp xe và đi bộ. Các không gian xanh cần kết nối với nhau để mang lại sự tương tác và hiệu quả tốt hơn cho cuộc sống của con ngườ”.

Việc thực hiện bất kỳ giải pháp nào trong ngắn hạn ở quy mô lớn vẫn còn rất hạn chế ở hầu hết các đô thị tại Châu Á. Nhưng đại dịch ít nhất đã khơi dậy nhu cầu “phải làm hay là chết” của các chính trị gia, nhà quy hoạch đô thị, nhà thiết kế và nhà phát triển. Nhiều chuyên gia kỳ vọng tính cấp bách của các giải pháp quy hoạch và xanh sẽ không tan biến dần khi đại dịch kết thúc.

Lam Vy (Asia Property Awards)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.