CafeLand - Kiến trúc sư cảnh quan Phil Dunn đã thực hiện một thử thách đầy tham vọng. Trong vòng một năm, ông thực hiện chế độ ăn của mình dựa trên thực phẩm được trồng tại cộng đồng mà mình sinh sống, với nỗ lực thu hút sự chú ý của mọi người về các vấn đề lương thực bền vững và lãng phí thực phẩm.

Là một cư dân của khu Thành phố bền vững ở Dubai, Dunn gọi cuộc thử nghiệm mà ông bắt đầu từ tháng 11/2020 là “dự án con người bền vững”. Ông nói: “Đó là sự kết hợp giữa thử thách cá nhân cho sinh nhật lần thứ 49 của tôi và một dự án khám phá an ninh lương thực và canh tác đô thị”.

Dunn đến từ Canada, ông có kế hoạch tạo ra một mô hình về nền kinh tế tuần hoàn quy mô nhỏ - nhằm sản xuất, tiêu dùng và tái chế tại khu vực mình sinh sống. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi ông sống trong một cộng đồng được xây dựng với mục đích thúc đẩy lối sống bền vững.

Cũng như hơn 500 ngôi nhà tại đây, Thành phố bền vững có 11 nhà kính biodome, nơi cộng đồng trồng tới 1 triệu cây rau hàng năm, bao gồm hẹ và rau diếp xoăn. Nông sản được cung cấp cho cư dân hoặc bán tại các chợ địa phương.

Cư dân cũng có thể bắt cá ở bể cá cộng đồng, nuôi gà đẻ trứng và thuê mảnh vườn riêng trong vườn chung để trồng cây. Tại đây, Dunn trồng cà chua bi, cải thìa và củ cải.

Đối với những nông sản không trồng được tại Thành phố bền vững như dầu ô liu, gạo, đường, ông sẽ trao đổi với các cư dân khác. Để đổi lấy những thực phẩm đó, Dunn cung cấp các sản phẩm ông làm từ gỗ tái chế còn sót lại từ công việc làm vườn của mình.

Ông giải thích: “Theo ý tưởng kinh tế tuần hoàn, tôi đã biến gỗ xây dựng thành nông cụ đô thị như chậu cây và bể nước, để tôi có thể giao dịch với các cư dân khác”.

Ý tưởng về nền kinh tế tuần hoàn dựa trên việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm và vật liệu được dùng cho những hoạt động như sản xuất thực phẩm, vận chuyển và quần áo. Theo nghiên cứu của Accenture, lĩnh vực này có thể tạo ra 4,5 nghìn tỷ đô la Mỹ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến năm 2030.

Liên Hợp Quốc ước tính trên toàn cầu, 1,3 tỷ tấn lương thực được tiêu thụ mỗi năm. Bằng cách ăn những thực phẩm được trồng tại nơi mình sống, Dunn muốn tránh lãng phí trong sản xuất và vận chuyển thương mại.

Dunn nói về dự án: “Tôi nghĩ dự án này thiên về lao động, nhưng nó thực sự là dự án phát triển cộng đồng. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời về cách thức chúng ta xây dựng xã hội. Đối với nền kinh tế tuần hoàn, điều quan trọng là mọi người phải tiết giảm, tái sử dụng, tái chế mọi thứ”.

Phát triển cộng đồng

Được thành lập vào năm 2015 bởi công ty Diamond Developers có trụ sở tại Dubai, Thành phố bền vững có diện tích hơn 46 héc-ta nằm ở ngoại ô Dubai. Dự án cân bằng về năng lượng đầu tiên này tại một trong những tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất hướng tới việc phát triển một cộng đồng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế.

Khu vực này được bao quanh bởi 2.500 cây xanh làm vùng đệm bảo vệ cộng đồng khỏi các chất ô nhiễm, cung cấp 3.000m2 đất cho nông nghiệp đô thị, và năng lượng cho tất cả các tòa nhà và bãi đỗ xe bằng cách sử dụng tấm pin mặt trời.

Thành phố bền vững đang thử nghiệm các công nghệ mới có thể giúp thiết lập nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm các trang trại thẳng đứng - một cách trồng thực phẩm trong nhà, không cần đất và thường sử dụng đèn LED thay vì ánh sáng tự nhiên.

Karim El-Jisr, Giám đốc phát triển bền vững tại Diamond Developers cho biết: “Chúng tôi đã thấy một bước nhảy vọt trong canh tác theo chiều dọc trong nhà. Đó là kiểm soát khí hậu, kiểm soát ánh sáng với ít năng lượng nhất. Đây là nơi công nghệ xuất hiện và lý do tại sao mô hình này rất phù hợp để phát triển ở các thành phố”.

Thành phố bền vững cũng đang giới thiệu hình thức “chia sẻ dịch vụ xe ô tô điện” cho tất cả cư dân. Ngoài ra, các dự án nguyên mẫu được triển khai để thu thập độ ẩm trồng trọt và tạo ra nước từ không khí. El-Jisr cho biết các thành phố có rất nhiều không gian, chẳng hạn như mái nhà và tầng hầm, có thể được sử dụng với mục đích khác nhau sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài giảm thiểu chất thải, việc trồng lương thực ở các thành phố có thể cải thiện an ninh lương thực. UAE nhập khẩu khoảng 90% lương thực của mình và các giải pháp giống như dự án được áp dụng trong Thành phố bền vững có thể giúp đất nước này độc lập về lương thực.

Trong khi thành phố Dubai vẫn còn một chặng đường dài phía trước, mục tiêu của Dunn chỉ là nâng cao nhận thức về sản xuất lương thực.

“Tôi hy vọng thử thách này là chất xúc tác để những người khác bắt đầu kiểm soát nơi trồng thực phẩm của họ, hiểu hệ thống thực phẩm địa phương và khám phá hoạt động sản xuất địa phương”, ông nói.

Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.