Chính quyền Đà Nẵng tổ chức hội thảo M&A với mong muốn có nhiều hoạt động sáp nhập dự án sẽ chính thức diễn ra.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, xu hướng mua bán và sáp nhập dự án (M&A) đã phổ biến nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức 1 hội thảo chuyên đề về vấn đề này, nhằm “khởi động những cơ hội thay đổi cơ cấu đầu tư vốn và dự án trên địa bàn”.
M&A các dự án là tất yếu!
Điểm nhấn theo ông Viết, chính là thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều dự án đầu tư, do nhiều tập đoàn, doanh nghiệp triển khai, theo quy hoạch của địa phương, nhưng hiệu quả hoạt động, xúc tiến triển khai không cao.
Thậm chí nhiều dự án trì trệ đã nhiều năm, gần như không tiến hành được, do nhiều lý do, trong đó vấn đề năng lực tài chính đầu tư của nhà đầu tư là then chốt nhất.
Nổi bật nhất trong tình trạng chung này, tất nhiên là các dự án đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch ven biển Đà Nẵng, 1 số dự án đầu tư các khu thương mại, cao ốc trung tâm Đà Nẵng…
Nhiều dự án đầu tư bất động sản Đà Nẵng sẵn sàng M&A?
Một lãnh đạo mảng tài nguyên môi trường Đà Nẵng cũng chia sẻ, thực trạng quá nhiều dự án bất động sản “treo” giữa Đà Nẵng là không thể chối cãi. Vấn đề ở chỗ, làm sao tháo gỡ những dự án ấy, khi theo tiến độ đề ra thì đã quá trễ nãi, mà chính quyền địa phương lại không thể mạnh tay xử lý thu hồi.
“Cụ thể có những dự án đã đóng góp kinh phí đầu tư vào tài chính địa phương, và đã được địa phương dùng kiến thiết hạ tầng cơ sở của Đà Nẵng. Có người thắc mắc các khoản vốn đầu tư đất đai ấy đi đâu, mà quên rằng thời gian qua, Đà Nẵng đầu tư rất nhiều vào hạ tầng đô thị. Nếu không có các nguồn vốn đầu tư ấy, địa phương lấy đâu ra tiền xây cất cầu cống, quy hoạch…”. Cán bộ lãnh đạo này nhìn nhận.
Một thống kê chưa chính thức được đưa ra từ các nguồn khảo sát của Đại học Kinh tế Đà Nẵng và những tổ chức tư vấn cho thấy, Đà Nẵng đã có hơn 50% nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2003 đến 2012 là liên quan đến chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”, khai thác các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, dự án đô thị…
Rõ ràng với thực trạng như vậy, địa phương không thể tránh khỏi việc phải xử lý bài toán “dự án treo” ở những khu vực quy hoạch đang có các nhà đầu tư bế tắc giải pháp triển khai tiếp theo. Đơn cử những dự án như cao ốc Viễn Đông, khu đô thị Mặt Trăng Xanh – Thuận Phước…, qua những biến động do khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư ban đầu đã không còn đủ lực thúc đẩy dự án nữa. Xu hướng M&A các dự án trong hoàn cảnh ấy, là phải chấp nhận.
Sẽ có dòng dịch chuyển mới
Dự báo lạc quan của các tổ chức tư vấn bất động sản và đầu tư, như Savills Việt Nam hay CBRE đối với thị trường bất động sản Đà Nẵng, là cơ hội M&A các dự án trên địa bàn thành phố này không hề thấp. Theo họ, thực trạng các dự án “nằm chờ thêm vốn” tại Đà Nẵng không hề khác lạ hay tiêu cực, thậm chí còn nên xem xét ở góc cạnh tích cực là các nhà đầu tư đều không muốn từ bỏ hoạch định của mình. Nghĩa là, mục tiêu đầu tư và cơ hội khai thác tại các dự án bất động sản đã thành hình quy hoạch của Đà Nẵng là thỏa đáng, sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư bên ngoài quan sát, muốn tham gia.
Sẽ có 1 dòng dịch chuyển các dự án bất động sản diễn ra ở Đà Nẵng.
Song 1 thời gian dài đã qua, do chưa mạnh dạn đối thoại hẳn, đặt rõ vấn đề về năng lực với các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã lâm vào bối cảnh “dự án chờ nhà đầu tư, nhà đầu tư chờ dự án”. Đó là chưa kể 1 số dự án đang thuộc về 1 số nhà đầu tư “có dụng ý” từ đầu, luôn muốn đòi hỏi những đàm phán “giá trao đổi” cao hơn thực tế giao dịch ban đầu, mới chấp nhận “nhường” cơ hội đầu tư lại cho nhà đầu tư đến sau. Những nhà đầu tư này, vốn dĩ cũng không có đủ năng lực để triển khai các dự án lớn, nhưng họ không muốn “mất cơ hội”. Do đó, địa phương đã phải nhiều lần đàm phán cùng các nhà đầu tư này, để cân nhắc cơ hội cho những nhà đầu tư tích cực hơn. Một dự án hiện đang diễn ra giữa tập đoàn Sun Group với 1 nhà đầu tư “cắm đất” tại Đà Nẵng, và 1 dự án khác “trao đổi” bất thành giữa nhà đầu tư dự án du thuyền Đà Nẵng và 1 nhà đầu tư ‘cắm đất” khác, có thể minh chứng điều ấy.
Từ thực trạng khó tháo gỡ như vậy, trong khi các dự án “treo” lại tồn tại quá lâu, chính quyền Đà Nẵng phải đi đến quyết sách rõ ràng hơn là thông qua cơ chế M&A tự do để cổ vũ, kêu gọi các nhà đầu tư cùng đàm phán lại với nhau. Đây có thể nói là 1 quyết định “dám làm” với địa phương, vốn nhiều năm rất ngại những va chạm “quyền lợi” với các nhà đầu tư. Nhưng rõ ràng trong mắt các nhà đầu tư, quyết định như vậy là cần thiết để thị trường bất động sản địa phương không trì trệ mãi ở trạng thái “nằm chờ”.
Liệu đến bao giờ các hoạt động M&A như vậy mới tiến hành? Câu hỏi này đã được CafeLand đặt ra với các nhà đầu tư tại Đà Nẵng, và lời giải, thật sự chỉ nằm trên bàn chính sách, tạo điều kiện tốt nhất của các nhà quản lý mà thôi!
Có điều, với những gì đang diễn biến, rõ ràng Đà Nẵng sẽ sớm có 1 dòng dịch chuyển mới về đầu tư bất động sản!
-
UBND thành phố Đà Nẵng lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án, đất đai trong bản án
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của UBND thành phố triển khai, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên qua...
-
Đà Nẵng mời gọi đầu tư dự án đường sắt đô thị kết nối sân bay với bãi biển quyến rũ nhất hành tinh
Dự án đường sắt đô thị tuyến sân bay Đà Nẵng – biển Mỹ Khê – Depot đang được địa phương này mời gọi đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ kết nối sân bay với khu vực trung tâm thành phố đến một trong những bãi biển từng được Tạp chí Mỹ bình ...
-
Quận Liên Chiểu trở thành cực tăng trưởng mới của Đà Nẵng
Với vị thế cửa ngõ giao thông thuận lợi, giáp biển và gần các khu công nghiệp lớn, quận Liên Chiểu nghiễm nhiên giữ vai trò quan trọng với hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng Tây Bắc và toàn Đà Nẵng....