CafeLand - Sau trận mưa lịch sử ngày 10/12/2018, một câu hỏi lớn đã được đặt ra trên các diễn đàn và mạng xã hội, là làm sao để Đà Nẵng tránh được tình cảnh tương tự trong tương lai gần. Tạp chí Cafeland đã trao đổi với một số nhà chuyên môn về quản lý đô thị và kiến trúc sư, luận giải những hướng xử lý cho Đà Nẵng. Dưới đây là hai ý kiến có vẻ thỏa đáng nhất.

Tiến sĩ Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam:

Cá nhân tôi, thông qua một số thông tin trên báo chí, dư luận mạng xã hội, đối chiếu với bản đồ thành phố Đà Nẵng, cũng như thông qua ý kiến tổng hợp khảo sát của các cộng tác viên tại Đà Nẵng, xin đưa ra hai nhận định sau.

Thứ nhất, tôi khẳng định, trận mưa vừa rồi, không hề có chuyện Đà Nẵng thúc thủ, hay nói sai từ như nhiều người là “thất thủ” về thoát nước.

Các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng đều dễ bị ngập nặng khi có mưa lớn

Thực tế, khu ven biển phía đông Đà Nẵng, đô thị sinh thái mới Hòa Xuân ở Cẩm Lệ không bị ngập lụt nhiều, khu phố cũ sát bờ sông Hàn không bị ảnh hưởng nặng nề, nước thoát bình thường. Chỉ có khu trung tâm, các tuyến đường có cống thoát dẫn về các hồ điều hòa Thạc Gián, 29/3 và Vĩnh Trung, là bị ngập. Đây là điều rất đáng ghi nhận, vì Đà Nẵng đã chọn được vùng trũng làm hồ điều hòa, và đưa được nước vào đó, đúng ý tưởng quy hoạch “dẫn được nước vào nơi muốn xử lý”. Nếu ngược lại, khu vực hồ điều hòa không có nước, mà nơi khác ngập nước, thì mới nói Đà Nẵng quy hoạch sai chứ!

Một số người ý kiến cho rằng, Đà Nẵng ngập nước là do các khu nghỉ dưỡng xây dựng bít lối nước chảy, hay lấn sông. Nhưng thực tế sông Hàn chảy giữa thành phố, nên khu trung tâm Đà Nẵng tách biệt với khu bán đảo Sơn Trà phía đông, cũng như với khu Hòa Xuân. Nói vậy là nói bừa.

Thứ hai, nguyên nhân ngập nặng của Đà Nẵng đêm 08/12 là mưa quá lớn, trên 400 mm, trong một khoảng thời gian quá ngắn. Mà ngập chủ yếu ở hồ điều hòa, do khi thiết kế các hồ này, nhà quy hoạch thường chỉ tính bình quân, không thể đặt bài toán ở mức rủi ro quá lớn, làm tăng các chi phí vận hành khi bình thường.

Thành ra để dứt điểm ngập, Đà Nẵng chỉ cần tăng mức độ chịu ngập, đào hồ sâu hơn để có dung tích chứa nước nhiều hơn. Điều này phải nghĩ đến, vì đơn cử tại Hà Nội với hồ Halais (hồ Thiền Quang), trước đây hay bị ngập nhưng từ khi đào sâu thêm 2 mét, thì khu vực công viên xung quanh cùng các tuyến đường Quang Trung, Bà Triệu đã giảm ngập.

Song song việc đó, Đà Nẵng cần tính lại lưu vực nước. Các tuyến đường có hướng thoát nước về sông Hàn nên điều chỉnh lại, giảm bớt lượng nước đổ về các hồ điều hòa. Hệ thống cống thoát cần được khảo sát lại khẩu độ, vị trí khớp nối các đường cống với nhau để bảo đảm cao trình thoát nước đồng bộ, và vệ sinh nạo vét thường xuyên. Cần tuyên truyền để ý thức người dân tốt hơn, đừng đổ rác xuống cống nữa. Được như vậy, Đà Nẵng sẽ tránh được tình trạng ngập như đã xảy ra.

Ông Hoàng Sừ, kiến trúc sư Đà Nẵng:

Để tìm hiểu trận ngập lịch sử, buổi sáng ngày 09/12 tôi đã đi một vòng, từ trung tâm qua cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương rồi về đường Bạch Đằng. Thực tế mực nước dưới sông còn rất thấp, cho thấy việc bị ngập không phải do lũ lụt mà do mưa quá lớn, hệ thống thoát nước bị quá tải.

Hồ điều tiết Vĩnh Trung - Thạc Gián bị quá tải trong trận mưa đêm 8/12/2018

Nhìn lại tổng thể, Đà Nẵng là thành phố có điều kiện thiên nhiên cực kỳ thuận lợi để tiêu thoát nước mưa, nhờ địa hình thấp dần từ tây sang đông, từ núi xuống biển; nền thành phố cao hơn mực nước sông và biển; có ba mặt giáp biển, nước thoát rất dễ dàng; và sông Hàn chảy xuyên giữa lòng thành phố, là trục tiêu thoát nước cực kỳ thuận lợi. Vậy mà chỉ mưa một đêm, ngập úng xảy ra trầm trọng, thật sự là điều rất đáng suy nghĩ. Nên thành phố cần nhìn lại các nguyên nhân liên quan đến năng lực tiêu thoát nước.

Trước hết, hệ thống tiêu thoát nước của Đà Nẵng gồm hệ thống cống cũ trong các khu nội đô và hệ thống cống của các khu đô thị mới, chủ yếu có tiết diện nhỏ, đấu nối vòng quanh thiếu tính khoa học, chỉ chịu được những cơn mưa cỡ 100 mm kéo dài vài giờ. Một khi hệ thống này nạo vét không tốt, chắc chắn không thể xử lý kịp lượng nước mưa quá lớn

Thứ hai, khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng rộng khoảng ngàn hecta nhưng có rất ít tuyến cống thoát nước ra phía biển Thanh Bình, chủ yếu dựa vào hệ thống cống dẫn từ sân bay ra hồ công viên 29/3 và hồ điều hòa Vĩnh Trung Thạc Gián, rồi dẫn vòng vèo rất xa mới ra tới biển. Phân chia lưu vực thoát nước vậy là không ổn.

Thứ ba, Đà Nẵng đang thiếu các trục tiêu thoát dạng tunel có đường kính lớn, đi theo các trục đường lớn từ tây sang đông như Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, và hướng bắc nam như Hàm Nghi, Lê Lợi, Trần Phú, Bạch Đằng… giúp thu gom nước chạy thẳng ra biển hoặc xuống sông Hàn. Không có hệ thống này, các tuyến cống nhỏ không thể xử lý được tình hình mưa lớn gây ngập nước.

Thứ tư, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã làm mất đi phần lớn diện tích đất và hồ tiêu thoát cho Đà Nẵng, như những cánh đồng phía nam Hòa Cường, nam sân bay, rồi các thảm xanh công viên, vườn cây trong thành phố không còn nữa. Tỷ lệ bê tông hóa tăng cũng làm giảm diện tích mặt đất có khả năng thấm nước tự nhiên, khiến nước mưa chảy thẳng vào hệ thống cống với tốc độ nhanh càng làm cho hệ thống này nhanh chóng quá tải.

Tầm quy hoạch xa hơn, việc lấp hơn 3.000 hecta đất khu vực Hòa Xuân – Cồn Dầu sẽ gây nên lũ lụt nghiêm trọng cho Đà Nẵng nếu gặp những trận lụt lịch sử như năm 1999. Những vùng thấp trũng này chính là vùng điều tiết rất lớn cho Đà Nẵng với sức chứa hàng triệu m3 nước, một khi không còn nữa, nước lũ sẽ tràn vào thành phố với mức độ nguy hại không thể lường hết được.

Nhạc Duy Hạ (lược ghi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.