Tính đến ngày 13/8, sau hơn 2 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng mới giải ngân được trên 80 tỷ đồng, con số quá ít so với mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc giải ngân chậm là do thiếu nguồn cung nhà. Thực hư ra sao, thưa ông?
Đúng vậy. Giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thời gian qua gặp khó khăn do thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Nguồn cung thiếu do nhà ở xã hội thường do doanh nghiệp đầu tư, hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, nên có lợi họ mới làm.
Theo quy định, khi bán, cho thuê nhà ở xã hội, lợi nhuận tối đa mà chủ đầu tư được hưởng chỉ là 10%, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận nhà ở thương mại.
Chưa kể, trước đây, nhà ở xã hội cũng khó vay vốn, không được vay vốn ưu đãi, nên ít chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Theo quy định mới, chỉ những hợp đồng ký sau 7/1/2013 mới được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, mà để ký được hợp đồng thì chủ đầu tư phải xây xong phần móng.
Theo quy định, NHNN và các ngân hàng thương mại chỉ xem xét cho vay những dự án mà Bộ Xây dựng giới thiệu. Vậy từ khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến nay, Bộ Xây dựng đã giới thiệu bao nhiêu dự án nhà ở đủ điều kiện cho NHNN và các ngân hàng thương mại?
Đến nay, Bộ Xây dựng đã 2 lần giới thiệu danh mục, dự án đủ điều kiện vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng cho NHNN và các ngân hàng thương mại.
Đợt thứ nhất, Bộ Xây dựng gửi danh sách giới thiệu 30 dự án (ngày 4/6).
Đợt thứ hai, Bộ Xây dựng giới thiệu 29 dự án (ngày 8/8). Như vậy, tổng cộng đến nay, Bộ Xây dựng đã đề xuất cho vay 59 dự án. Hiện các ngân hàng thương mại đang xem xét, thẩm định để cho vay.
Vậy Bộ Xây dựng có giải pháp gì để tăng nguồn cung, thưa ông?
Để tăng cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư về chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chuyển đổi nhà ở thương mại diện tích lớn sang diện tích nhỏ.
Hiện các địa phương đang tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi và xây dựng nhà ở xã hội. Đơn cử, Hà Nội đang đề xuất xem xét chuyển đổi 26 dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích lớn sang diện tích nhỏ, trong đó một số dự án đã được Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi.
Hy vọng, với những giải pháp trên, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích nhỏ sẽ tăng lên để các gia đình có điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều dự án nhà ở đang bỏ hoang trong khi Bộ Xây dựng khẳng định không có nguồn cung nhà ở xã hội. Vậy có giải pháp nào cho lượng bất động sản dư thừa này không?
Bất động sản dư thừa chủ yếu là các dự án nhà ở thương mại cao cấp. Loại nhà này khách hàng đã góp vốn một phần, tức nhà đã ký hợp đồng từ lâu, chứ không phải hàng mới để chủ đầu tư đem ra bán. Còn những dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư chưa bán, muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có diện tích nhỏ thì đăng ký với địa phương để xem xét cho triển khai.
Xin khẳng định, các nước đều có chính sách tín dụng cho những người khó khăn về nhà ở. Ở nước ta, chủ trương của Chính phủ về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là hỗ trợ an sinh xã hội, chứ không phải giải cứu thị trường bất động sản.
Trong tương lai, Bộ Xây dựng có giải pháp gì để ngăn ngừa tình trạng mất cân đối cung - cầu nhà ở, thưa ông?
Thời gian qua, nhiều địa phương tập trung phát triển nhà ở thương mại cao cấp, dẫn đến phân khúc nhà này dư thừa, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ lại thiếu. Vấn đề này sẽ được khắc phục trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia năm 2020, tầm nhìn 2030. Chủ trương của Chính phủ từ nay đến năm 2020 là khuyến khích nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích nhỏ.
Hiện đã có trên 40 địa phương trên cả nước xây dựng Chương trình Phát triển nhà ở của địa phương mình. Đơn cử, Hà Nội đã đề ra kế hoạch từ nay đến năm 2015 phát triển tối thiểu 15.500 căn hộ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.