Giá nhà giảm không giúp cải thiện khả năng chi trả
Theo Goldman Sachs, giá nhà tại các thành phố trên khắp thế giới tiếp tục đi xuống và có thể giảm tới 20% ở một số quốc gia. Nhưng điều này không làm giảm bớt cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả cho nhà ở của người dân.
Trên thực tế, tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi được cải thiện. Theo báo cáo tháng 2 của Tổ chức Phát triển Nhà và Đô thị Hoa Kỳ (HUD), lạm phát cao do thiếu nguồn cung dẫn đến lãi suất cao hơn, từ đó tác động ngược trở lại lên số lượng nhà ở được rao bán.
“Sự suy thoái của thị trường nhà ở khiến các nhà phát triển không mặn mà với việc xây thêm nhà mới, tạo tiền đề cho vòng luẩn quẩn về nguồn cung và khả năng chi trả ngay cả khi kinh tế được cải thiện và lãi suất hạ nhiệt”, HUD nhận định.
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Mỹ càng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà đầu tư đổ dồn vào mua nhà thổ cư dành cho một hộ gia đình, thay vì các căn hộ chung cư. Nhiều căn nhà thay vì giao dịch chính thức qua các sàn thì nay lại được mua bán riêng tư giữa chủ nhà và người mua.
Có nhiều yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu, tùy thuộc vào từng khu vực và quốc gia, bao gồm thiếu các tiện ích cần thiết, thiếu vật liệu xây dựng và cuộc cạnh tranh sở hữu nhà giữa người dân địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù giải pháp cho tình trạng này sẽ được bản địa hóa, nhưng thế giới vẫn cần một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.
Báo cáo của HUD cho biết: “Về lâu dài, việc thực hiện các chính sách để tăng mật độ xây dựng và tăng nguồn cung là cách duy nhất để phá vỡ chu kỳ giảm khả năng chi trả cho nhà ở và những thách thức về mặt quản trị cho các chính phủ”.
Việc xây dựng thêm nhiều khu dân cư phức hợp, nơi người dân có thể tiếp cận mọi tiện ích chỉ trong khoảng cách đi bộ được, sẽ không chỉ giảm bớt cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ mà còn giúp các thành phố phát triển hơn.
Một báo cáo gần đây của Smart Growth America cho thấy chỉ 1,2% diện tích đất ở 35 khu vực đô thị lớn nhất Mỹ là có các khu dân cư phức hợp như trên, nhưng chúng lại đóng góp đến 20% GDP.
Áp lực về phát triển bền vững, đô thị hóa và dân số
Giá nhà mới của Trung Quốc, thị trường bất động sản lớn hàng đầu thế giới, đã tăng trong tháng 3 với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng qua, theo dữ liệu chính thức vào ngày 17/04. Điều này cho thấy thị trường đã thoát khỏi tình trạng ảm đạm nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ, nhưng đà tăng vẫn chưa chắc chắn. Giá nhà mới trong tháng 3 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 0,3% của tháng 2. Theo Reuters, tỷ lệ này đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất và là tháng tăng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 06/2021.
Thông tin này được đưa ra khi Thượng Hải, trung tâm thương mại của Trung Quốc, chứng kiến dân số năm 2022 giảm lần đầu tiên sau 5 năm. Thành phố đông đúc này có 24,76 triệu người vào năm ngoái, thấp hơn so với 24,89 triệu người vào năm 2021. Dân số Trung Quốc năm 2022 đã giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, do chi phí sinh hoạt tăng cao – đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn – tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thay đổi trong tư duy của người dân về việc xây dựng gia đình và sinh con cái.
Bên cạnh đó, các vấn đề về phát triển bền vững, bao gồm giảm phát thải ròng đang trở thành mục tiêu quan trọng của nhiều thành phố trên thế giới, tạo ra tiêu chuẩn đầy tính thách thức với các nhà phát triển. Điều này có nghĩa là ngành bất động sản cần phải có các giải pháp bền vững để xây dựng đô thị, các công trình, hạ tầng và nhà ở một cách hợp lý, thay vì phát triển quá nóng và quá nhanh như trước đây.
-
Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2023 qua những con số
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 04/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong năm 2023.
-
Giá nhà ở nhiều nơi giảm đến 14% trong năm qua
Giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10-14% so với năm 2022.
-
Từng được săn đón, phân khúc bất động sản này nay cũng ế khách, tồn kho nhiều sản phẩm giá triệu USD
Quý cuối năm 2023 thị trường nhà liền thổ tiếp tục ghi nhận tình hình giao dịch trầm lắng đến từ sự hạn chế về nguồn cung mới, tâm lý thận trọng của người mua kéo dài và hàng tồn đắt đỏ (trên 1 triệu USD/căn)....