Vào cuối năm nay, những luật mới ở Cuba sẽ cho phép người dân mua bán nhà lần đầu tiên kể từ năm 1959. Những ngôi nhà không được định giá trên thị trường trong 50 năm nay sẽ có giá trị như vật sở hữu, và chẳng bao lâu, nước này có thể đối mặt với một làn sóng biến đổi quét khắp phố phường.
CUBA: Sau 50 năm, người dân được quyền mua bán nhà
Không gian kiến trúc thủ đô La Havana.Làn sóng dịch chuyển quyền sở hữu bất động sản có thể dẫn tới việc huỷ hoại di sản kiến trúc của thành phố. Ảnh: TL

Giao dịch không chính thức trở thành quá khứ


Để giúp một người bạn khuyết tật đổi chỗ ở hiện tại lấy một căn hộ ở tầng trệt, Leonardo Leiva tìm đến thị trường nhà đất không chính thức của Havana dọc theo đại lộ Prado, nơi người dân Cuba có thể ra giá, chào hàng và thoả thuận, với một khoản tiền nào đó được bí mật trao tay. Những người muốn mua bán ghim các mảnh giấy và mẩu bìa cứng lên thân cây, hay giơ cao các mẩu quảng cáo làm bằng tay.


Manuel Villanueva, một mục sư trẻ ở nhà thờ Pentecostal, đến đây mỗi thứ bảy trong ba năm qua. Giáo đoàn 120 thành viên của ông đang sống chen chúc trong căn hộ nhỏ của gia đình, nhưng số tiền 3.000 USD hiện có lại không đủ để mua một ngôi nhà hay garage có diện tích tương đối, “Những ngôi nhà ưng ý giá đến 50.000 USD. Tôi còn chưa bao giờ nhìn thấy số tiền lớn như thế”, ông Villanueva nói.


Trong quá khứ, mua bán nhà ở Cuba là bất hợp pháp, người dân chỉ có thể chuyển đổi quyền sở hữu trong phạm vi gia đình và thường phải chi thêm một ít. Sau vài tháng nữa, việc mua bán nhà cơ bản sẽ được hợp pháp hoá, một số quy định được nới lỏng hay thay đổi để người Cuba và người nước ngoài thường trú có thể tặng, trao đổi, thừa kế hay bán nhà. Tuy nhiên, một nguyên tắc được duy trì là “mỗi người không thể sở hữu hơn một nhà ở”, nhằm tránh hiện tượng thu gom.


Xuất hiện danh mục chuyển nhượng bất động sản


Danh mục bất động sản kèm theo mức giá đã bắt đầu xuất hiện trên các trang web riêng của Cuba – từ dưới 5.000 USD cho một căn hộ nhỏ xíu ở thủ đô Havana, đến trên 120.000 USD cho một ngôi nhà lớn ở một trong những khu phố kiểu phương Tây, được nhiều người ưa chuộng.


Việc rao giá báo trước một thay đổi cơ cấu ở một đất nước mà khoảng 85% người dân có nhà, nhưng về mặt pháp luật, giao dịch nhà đất cho đến nay chỉ mang hình thức trao đổi tài sản.


Các biện pháp tự do hoá mới sẽ ngay lập tức đem lại cho hàng triệu người Cuba một tài sản có thể luân chuyển, ngay cả khi vẫn còn những hạn định ngăn cản cá nhân tích luỹ tài sản.


Điều quan trọng hơn là sự thay đổi này có thể tạo sự thay đổi các khu phố ở Havana theo trật tự mới, phù hợp với những khác biệt về kinh tế và về chủng tộc.


Sau khi cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, những khu phố sang trọng ở đây trải qua biến động đầu tiên, khi các gia đình giàu có và tầng lớp trung lưu chạy khỏi đất nước và chính quyền tiếp quản nhà của họ. Một số ngôi nhà bỏ trống được dùng làm văn phòng chính phủ, trường học và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nhiều ngôi nhà được trao cho những gia đình Cuba không nhà hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn. Cho dù nhiều khu phố cũ vẫn còn và một số khu phố không mất đi vị thế đẹp, những khu nhà phố ở Havana trông tạp nham hơn.


Theo Mario Coyula, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị ở Havana, những ảnh hưởng này sẽ tạo nên “một Havana với điện thoại di động và xe hơi Hàn Quốc, và một Havana khác cho những người đi bộ và đi xe buýt”.


Những người Cuba kiếm nhiều tiền hay được bà con ở nước ngoài gửi tiền về sẽ tiếp tục kiếm nhà ở những khu phố nhộn nhịp như Vedado và Miramar. Những gia đình ít tiền mặt nhưng giàu bất động sản – nhờ chính sách tái phân phối nhà ở trước đây, sẽ bị xúi giục bán nhà và đến ở vùng ven cho rẻ hơn.


Kiến trúc sư Coyula cho hay, phần lớn người dân Cuba rời bỏ đất nước trong những năm qua là dân da trắng, giờ đây họ gửi tiền về chủ yếu cho người da trắng, làm cho những bất bình đẳng mang đặc điểm địa lý nhiều hơn bao giờ hết. Người Cuba sống ở nước ngoài không được phép mua trực tiếp bất động sản ở Cuba, mà chỉ có thể nhờ thân nhân hay những người được uỷ quyền.


Khi người Cuba xem ngôi nhà của mình như một tài sản riêng, họ sẽ có động lực để sửa chữa và phục hồi những đặc điểm kiến trúc quý giá, vốn dĩ đã mờ nhạt theo thời gian.


Tuy nhiên, nhiều năm qua, những đường nét xây dựng tinh tế của nhiều ngôi nhà bị thay đổi để phù hợp với nhiều gia đình, hay các công ty nước ngoài cần không gian văn phòng. Kiến trúc sư Coyula lo ngại làn sóng dịch chuyển quyền sở hữu bất động sản có thể dẫn tới việc huỷ hoại di sản kiến trúc của thành phố, khi những người mua nhà sử dụng vật liệu rẻ tiền để thay thế đồ vật bằng sắt cũ kỹ, các ô cửa và những chi tiết thiết kế khác.

Theo Võ Phương (SGTT/Global Post/ Foxnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.