Kiến nghị với Quốc hội và Bộ Xây dựng về dự thảo Luật Nhà ở, đại diện các ban quản trị chung cư đòi quyền trả lại chỗ để xe ô tô và phí bảo trì chung cư cho các ban quản trị chung cư nắm giữ.

Hầm để xe thuộc về cư dân hay chủ đầu tư là bài toán chưa có lời giải, dẫn đến hàng loạt tranh chấp tại các chung cư trong thời gian vừa qua

Đại diện các ban quản trị chung cư bao gồm The Manor, Golden Westlake, Sky City Towers, Keangnam Landmark Towers, chung cư Dương Nội gửi bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Quốc hội để phản đối những quy định của dự thảo Luật Nhà ở.

Cụ thể, cư dân các chung cư phản đối việc dự thảo lại quy định “Đối với chỗ để xe ôtô thì do chủ đầu tư quyết định là thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc thuộc quyền sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư (nếu chủ đầu tư chuyển nhượng diện tích này cho chủ sở hữu nhà chung cư).

Theo các cư dân chung cư thì quy định này là bước thụt lùi so với Luật Nhà ở hiện tại khi quy định rõ nơi để xe (xe đạp, xe máy và ôtô) của nhà chung cư, dù nằm bên ngoài hay bên trong nhà chung cư (dưới hầm hay trên tầng) là tài sản thuộc sở hữu chung của các cư dân theo đúng quy định của Luật nhà ở. Thực tế cho thấy nhu cầu mua sắm tài sản (ô tô, xe máy) ngày càng cao, và các chung cư mới xây phải đáp ứng được chỗ đỗ xe cho các phương tiện giao thông của cư dân nhằm giảm áp lực cho hạ tầng xã hội chung.

Do vậy, cần phải buộc chủ đầu tư khi đầu tư xây chung cư phải đảm bảo chỗ đỗ xe của cư dân theo đúng tiêu chuẩn xây dựng về nhà ở và nhà cao tầng của Việt Nam.

Ngoài ra, các cư dân chung cư cho rằng mọi chi phí đầu tư bãi đỗ xe trong nhà đều đã được chủ đầu tư thu hồi vốn đầy đủ. Bởi vậy, “việc quy định chủ đầu tư có quyền quyết định chỗ để xe ô tô là thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư sẽ càng dẫn đến bùng nổ các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về tiền phí trông giữ xe khi chủ đầu tư luôn có xu hướng tận thu khi họ được độc quyền kinh doanh chỗ đỗ xe cho cư dân”, bản kiến nghị của cư dân chung cư cho hay.

Một vấn đề khác mà các cư dân chung cư tại Hà Nội cho là bất hợp lý là phí bảo trì, khi mà dự thảo Luật nhà ở quy định “Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm lập một tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho các nhà chung cư trên địa bàn”

Các cư dân chung cư cho rằng, phí bảo trì chung cư là tài sản do cư dân đóng góp để chi trả cho việc bảo trì, bảo dưỡng phần sở hữu chung, và do vậy thuộc quyền sở hữu của các chủ sở hữu chung cư. Các chủ sở hữu chung cư có quyền thông qua Ban quản trị nhà chung cư - người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ - quyết định tài sản của chính họ.

Thông Chí (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.