Dự báo trên được đưa ra tại báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 của Chính phủ, vừa được chuyển đến các đại biểu Quốc hội khóa XII.

Chỉ số giá tháng 3/2011 cũng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 33 tháng qua.

Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, tình hình giá cả tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm, ước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng khoảng 2,2% so với tháng trước, tăng 6,1% so với tháng 12/2010. Tính bình quân, chỉ số giá quý 1/2011 tăng khoảng 12,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Chỉ rõ nguyên nhân gây tăng giá, báo cáo nêu rõ, bên cạnh việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão, thì tăng lãi suất tín dụng, tăng tỷ giá ngoại tệ, tiếp tục tăng giá điện, than, xăng dầu,… vừa làm tăng chi phí đầu vào, vừa gây yếu tố tâm lý đẩy giá cả thị trường lên cao hơn.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 có thể tăng cao hơn tháng 2 trước đó, và có thể là năm duy nhất trong vòng hơn 15 năm qua có hiện tượng này.

Chỉ số giá tháng 3/2011 cũng ước đạt mức tăng cao nhất trong vòng 33 tháng qua, tính từ tháng 6/2008. So với tháng 3 của 15 năm gần đây, CPI tháng này chỉ còn thấp hơn mức tăng 2,99% của tháng 3/2008.

Một nguồn tin từ Bộ Tài chính khi được đề nghị xác nhận mức dự báo này cũng cho rằng, CPI tháng 3 có khả năng tăng cao hơn tháng 2. Trong khi đó, báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 3/2010 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhìn nhận, giá các mặt hàng thiết yếu trong nước nhìn chung tăng so với cùng kỳ tháng 2/2011.

Theo báo cáo, giá thóc gạo tại miền Bắc trong nửa đầu tháng 3 đã tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với tháng 2/2011. Tại miền Nam, mức tăng tương ứng là từ 150-500 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá là do miền Bắc bước vào giai đoạn giáp hạt, trong khi tại miền Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân từ ngày 1/3 đến 15/4.

Tương tự, thịt lợn hơi đã tăng giá khoảng 2-4 nghìn đồng/kg so với tháng 2/2011; thịt lợn mông sấn tăng giá khoảng 5 nghìn đồng/kg. Giá một số loại rau củ tươi hiện tại tăng trở lại so với thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2011 do yếu tố tâm lý bị tác động bởi giá dầu, giá điện và một số loại rau đã hết vụ.

Với các mặt hàng vật liệu xây dựng chính, giá xi măng tại các tỉnh phía Bắc bán ra ở mức 1-1,35 triệu đồng/tấn, tăng 50 nghìn đồng/tấn; tại các tỉnh phía Nam giá bán ra ở mức 1,3-1,46 triệu đồng/tấn, tăng 20 nghìn đồng/tấn so cùng kỳ tháng trước.

Giá thép bán lẻ tiếp tục tăng chủ yếu do tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá. Hiện giá thép ở mức 18-19 nghìn đồng/kg tại các tỉnh miền Bắc, tăng 100 đồng/kg và 17,9- 19 nghìn đồng/kg tại các tỉnh miền Trung và Miền Nam, tăng 500 đồng/kg so cuối tháng 2/2011.


Trong khi đó, do ảnh hưởng của giá khí hóa lỏng nhập khẩu và do giá xăng dầu, điện, chi phí vận chuyển... điều chỉnh tăng, từ ngày 1/3/2011 các doanh nghiệp kinh doanh LPG đã điều chỉnh giá bán lẻ trong nước tăng khoảng 9-13 nghìn đồng/bình 12kg.

Đối với thuốc chữa bệnh, mặc dù không có hiện tượng giá tăng đồng loạt, bất hợp lý, một số loại đã điều chỉnh tăng giá do tác động trực tiếp của các yếu tố tỷ giá, xăng dầu, điện, báo cáo của Cục Quản lý giá cho hay.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland