Sau 5 tháng, chỉ số CPI chỉ ở mức dưới 0,3%, liên tiếp đến tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng này đã leo dốc với mức độ gây choáng: 1,31%.
Như vậy, đây là tháng thứ 3 cho tới thời điểm này tính từ đầu năm, chỉ số CPI trên mức 1,3%.Đáng chú ý là tốc độ tăng giá này sánh ngang hai tháng 1 và 2 là các tháng Tết. Tính đến nay tốc độ tăng giá tiêu dùng đã là 6,46% so với tháng 12/2009. Như vậy, so với chỉ tiêu đã điều chỉnh là CPI năm nay ở mức 8% thì trong ba tháng còn lại mức tăng giá phải khống chế ở 1,54% (bình quân mỗi tháng chỉ được tăng trên dưới 0,5%).

Điều này có vẻ khó thực hiện khi trong lịch sử chỉ có năm 2008 là năm khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng, chỉ số CPI 3 tháng cuối năm mới giảm thấp, thậm chí âm, còn lại quý 4 các năm đều có tốc độ tăng giá cao. Điều mà các nhà nghiên cứu, quản lý cũng như người tiêu dùng đều quan tâm đó là chỉ số CPI trong 3 tháng còn lại có được như kỳ vọng để tính chung toàn năm chỉ ở 8% hay không.

Trong khi phân tích nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng vọt lên mức 1,31% cao hơn rất nhiều sau 5 tháng chỉ tăng dưới 0,3%, nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra 3 lý do chính: Đó là lượng cung tiền tăng, tỷ giá thay đổi theo hướng VND mất giá so với USD và giá lương thực thế giới cũng như trong nước tăng cao. Trong ba nguyên nhân chủ yếu đó chỉ có 1 nguyên nhân gắn với giá cả hàng hóa trực tiếp còn 2 nguyên nhân kia gắn với tiền tệ.

Nếu nói về hàng hóa thì trong thời gian tới nhiều mặt hàng trên thế giới có khả năng tăng giá. Khi Chính phủ Mỹ kìm lãi suất ở mức thấp 0,25% và nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi thì đồng thời cũng làm đồng USD yếu đi. Từ đó cùng với nhu cầu tăng lên đối với các vật tư nguyên liệu chiến lược của nền kinh tế, giá các vật tư nguyên liệu trên thế giới sẽ bị đẩy lên. Đó là một nguyên nhân để hàng hóa thế giới sẽ tăng. Thứ hai, nhu cầu dự trữ nhiên liệu cho phục hồi kinh tế và cho nhu cầu tăng lên trong mùa đông sẽ khiến giá xăng dầu thế giới tăng lên. Thứ ba, sự tăng giá lương thực trong bối cảnh thiên tai khiến sản xuất lương thực ở nhiều nơi bị ảnh hưởng. Cả 3 yếu tố này sẽ khiến giá cả nhiều loại vật tư nguyên nhiên liệu và lương thực tăng tác động tới thị trường trong nước và sẽ khiến giá hàng trong nước tăng theo. Trong khi đó, quý 4 là quý chuẩn bị hàng cho Tết, là mùa xây dựng, kinh doanh nên giá cả các hàng hóa, vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch, cát…) và lương thực sẽ tăng.

Về tiền tệ, sau 1 tháng áp dụng tỷ giá mới, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất USD lên và hiện cao gấp 10 lần lãi suất tiền gửi USD thế giới. Điều này cho thấy cân đối ngoại tệ có vấn đề. Lãi suất gửi nâng lên sẽ đẩy lãi suất cho vay ngoại tệ lên và điều này cùng với tỷ giá tăng sẽ khiến giá hàng nhập tăng. Từ đó cho thấy nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục tăng giá.

Việc CPI tháng 9 tăng vọt là một báo động cho các nhà quản lý về khả năng lạm phát trở lại. Dụ báo, CPI của tháng 10 sẽ khó tăng cao như tháng 9 nhưng cũng không chỉ ở mức như các tháng trước đó. Đặc biệt, tháng 10 có Đại lễ 1000 năm Thăng Long sẽ thúc đẩy các chi tiêu cũng như giá cả hàng hóa dịch vụ tăng theo. Và theo chúng tôi, quý 4 CPI sẽ ở mức 2%. Nếu như vậy, cả năm chỉ số giá sẽ ở mức 8,5% như một dự báo của chúng tôi từ đầu năm.

Cafeland.vn - Theo Tố Loan (KTDT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland