04/05/2025 2:15 PM
Đầu tư Thương mại SMC, một trong những doanh nghiệp thép lâu đời tại miền Nam với 37 năm hoạt động, đang đối mặt với nghi ngờ từ đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục. Dù đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, nhưng các chỉ số tài chính và dòng tiền vẫn cho thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật Liệu Xây Dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật Liệu Xây Dựng Miền Nam.

Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty này niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là SMC.

Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Không giống các công ty sản xuất thép lớn, khi vừa tiêu thụ thị trường nội địa, vừa xuất khẩu, SMC chủ yếu tập trung vào thương mại trong nước, khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư lớn.

Công ty thép tại miền Nam bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục- Ảnh 1.

Mới đây, SMC đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 8.929 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2023 trước đó. Công ty báo lợi nhuận sau thuế ở mức 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 925 tỷ đồng.

Tại BCTC này, Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC cho biết, tại ngày 20/12/2024, SMC và CTCP Tập đoàn NovaGroup cùng các công ty thành viên đã tiến hành ký kết biên bản xác nhận công nợ và cam kết trả nợ.

Tính đến thời điểm lập báo cáo, SMC và Group Novaland đã ký kết một số hợp đồng mua bán tài sản và văn bản thỏa thuận nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản phải thu của công ty. Các giao dịch này phát sinh sau ngày 31/12/2024 và được Ban Tổng Giám đốc SMC xác định là sự kiện phát sinh sau kỳ kế toán năm... Trên cơ sở đó, SMC đã rà soát, đánh giá lại khả năng thu hồi và điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu liên quan tại ngày 31/12/2024.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại thời điểm 31/12/2024, SMC đang còn lỗ luỹ kế gần 140 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2024 ghi nhận âm 508 tỷ đồng và đặc biệt, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 622,6 tỷ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, những yếu tố này làm nảy sinh sự hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của Đầu tư Thương mại SMC trong tương lai.

Tháng 10/2023, HĐQT SMC đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong hệ thống công ty. Cụ thể, doanh nghiệp này quyết định thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh để đảm bảo duy trì hoạt động.

Tính tới cuối năm 2024, tổng số lượng nhân sự của SMC là khoảng 600 lao động, giảm 350 nhân sự so với năm 2023.

Công ty thép tại miền Nam bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục- Ảnh 2.

Năm 2024, SMC ghi nhận doanh thu đạt 8.929 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng

Doanh nghiệp này cũng thống nhất thông qua việc chuyển nhượng trụ sở chính công ty, liên tục bán bất động sản, bán nợ để có tiền duy trì hoạt động.

Ban lãnh đạo SMC chi biết, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, giá thép giảm nhanh... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và hiệu quả của công ty. Thị trường bất động sản đang dần hồi phục nhưng chậm làm cho sản lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chủ yếu liên quan đến chi phí năng lượng, đặc biệt là than cốc, tăng mạnh và tỷ lệ lạm phát tăng làm ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản phẩm.

Những yếu tố bất lợi nêu trên kéo theo tâm lý người tiêu dùng e dè, thắt chặt chi tiêu làm cho sức tiêu thụ cũng như giá thép càng giảm mạnh hơn, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phải sản xuất cầm chừng, luân phiên sản xuất nên giá thành sản phẩm tăng hơn.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.778 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 143 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 627 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của SMC với hơn 1.546 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Theo đó, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.

Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối năm 2024 gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.

Tại thời điểm 31/12/2024, BCTC kiểm toán thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 350 tỷ đồng cho khoảng hơn 1.770 tỷ đồng nợ xấu.

Theo đó, danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131 tỷ đồng), Công ty TNHH Kirby Đông Nam Á (50 tỷ đồng), Công ty TNHH SX TM Cơ khí Hiếu Hạnh (28 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 919 tỷ đồng.

Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.