Sự lao dốc của ngành bất động sản của Trung Quốc có lẽ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất, nhưng thị trường dường như sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn trong thời gian tới.

Các nhà điều hành và nhà kinh tế trong ngành dự đoán doanh số bán hàng sẽ tiếp tục giảm do thị trường việc làm yếu kém, tình trạng khan hiếm tiền mặt kéo dài và niềm tin vào giá nhà đất ở mức thấp. Những điều này có thể tác động đến tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 20% ​​tổng sản phẩm quốc nội.

Theo số liệu của Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC), doanh số tại các nhà phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc đã giảm 43% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, dữ liệu theo tuần từ CRIC cũng cho thấy một số thành phố lớn, bao gồm Thâm Quyến và Quảng Châu, đã tạo ra mức tăng trưởng dương vào cuối tháng 6. Tính cả năm 2022, cả Moody's và S&P Global đều dự đoán doanh số của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc sẽ giảm từ 15% trở lên.

Ông Feng Jun, một cựu quan chức Bộ Nhà ở, hiện là người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc cảnh báo: “Ngành bất động sản sẽ gặp nhiều hạn chế nếu chứng kiến doanh số giảm từ 10% đến 20%”.

Ông Yu Liang, người đứng đầu công ty xây dựng lớn thứ hai Trung Quốc China Vanke, cho biết rằng thị trường đã "chạm đáy", nhưng chưa thể phục hồi nhanh chóng. Ông cho rằng sự phục hồi một phần là do yếu tố “theo mùa”, bởi tháng 6 thường là thời điểm các công ty bất động sản đẩy nhanh tiến độ bán hàng nhằm làm đẹp kết quả kinh doanh nửa đầu năm.

Giao dịch đất tại Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng so với cùn kỳ năm trước. Báo cáo của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc cho biết, doanh số bán đất thông qua đấu giá từ 300 thành phố đã tăng 45% lên 120 triệu m2 vào tháng 6. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đã có sự cải thiện.

Việc nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa đã góp phần giúp thị trường đi lên. Dữ liệu từ CRIC cho thấy doanh số bán nhà của các nhà phát triển hàng đầu trong tháng 6 đã tăng 61% so với tháng 5. Tuy nhiên, con số đó chưa bằng một nửa tốc độ tăng sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa vào năm 2020.

Dữ liệu như vậy cho thấy "một sự phục hồi nhẹ, thay vì sự phục hồi “hình chữ V” vào năm 2020", nhà phân tích Wilson Ho của ngân hàng Barclays chi nhánh Hong Kong chia sẻ.

Ông nói thêm, doanh số ở các thành phố nhỏ thấp hơn so với các thành phố lớn. Điều đó đã thúc đẩy các nhà phát triển ở một số khu vực nông thôn chấp nhận thanh toán nhà bằng tỏi, lúa mì và thậm chí dưa hấu.

Theo số liệu chính thức, doanh số bán nhà đã giảm so với cùng kỳ năm trước trong 11 tháng liên tiếp, đây là mức sụt giảm dài nhất kể từ khi Trung Quốc tạo ra thị trường bất động sản tư nhân vào cuối những năm 1990. Một số nhà kinh tế kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ chuyển biến tích cực trong quý cuối của năm, một phần là do hoạt động kinh doanh cuối năm ngoái quá yếu.

Tuy nhiên, ngành bất động sản vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc là Shimao Group Holdings đã bị vỡ nợ đối với các khoản vay trái phiếu ra nước ngoài trị giá 1 tỷ USD trong tuần này. Sự việc này làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài từ năm 2021.

Điều này có thể khiến các dự án của tập đoàn này nói riêng cùng một số đơn vị khác nói chung bị trì trệ, ảnh hưởng tới người mua. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ hoàn thành của các nhà phát triển cho các dự án bất động sản tiếp tục sụt giảm trong tháng 5.

Trung Quốc vẫn có một số lựa chọn để thúc đẩy thị trường, chẳng hạn như các đợt cắt giảm lãi suất thế chấp. Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ sẽ kiên định với chính sách không sử dụng bất động sản để kích thích kinh tế, điều mà họ từng làm trong quá khứ.

Anh Nguyễn (Straitstimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.