16/08/2013 7:47 AM
Tồn kho BĐS chủ yếu nằm ở phân khúc nhà ở cao cấp, việc nới điều kiện mua nhà cho người nước ngoài được nhận định sẽ là liều “thuốc bổ” giúp thị trường hồi phục.

Căn hộ cao cấp phá được băng?

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ về dự thảo nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài nhằm kích thích thị trường, tăng thanh khoản và giảm tồn kho BĐS.

Theo Bộ Xây dựng, dự thảo đưa ra hai hướng, một là cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở; hai là mở rộng đối tượng, điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở cũng như loại nhà được sở hữu.

Theo các chuyên gia, BĐS tồn chủ yếu nằm ở phân khúc nhà ở cao cấp. Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường BĐS đóng băng nhiều năm nay, giao dịch ảm đạm, nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn nóng, thậm chí thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, kho BĐS giá cao tồn đọng la liệt vì phần lớn vào danh sách nợ xấu của ngân hàng thương mại. Các chuyên gia cho rằng, để phá băng BĐS, cần thiết phải “kích” vào đúng trọng tâm, đó là phân khúc nhà ở cao cấp gồm cả căn hộ, biệt thự, nhà liền kề.

Nới điều kiện mua nhà, thị trường BĐS đang chờ tín hiệu mới

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS đóng băng là do cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, vừa thiếu vừa thừa. Trong đó, sản phẩm BĐS cao cấp và trung bình thừa nguồn cung, còn BĐS bình dân đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân lại thiếu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc nới điều kiện mua nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong thời điểm này là rất cần thiết và kịp lúc.

Theo ông Châu, đây là phương thức xuất khẩu tại chỗ và làm tăng giá trị tài sản quốc gia, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

“Băng BĐS chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp, do đó, chỉ nên cho phép người nước ngoài mua căn hộ giá cao”, ông Châu đề xuất.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành bật mí, một số chủ đầu tư đã cố tình tung những thông tin sai lệch về số lượng căn hộ đã bán đối với những dự án mà họ đầu tư nhằm lợi dụng tâm lý mua bán theo “số đông”.

Do đó, số lượng căn hộ tồn kho phải cao gấp 2 đến 3 lần con số báo cáo. Hàng tồn kho chủ yếu nằm ở căn hộ có giá trên 1 tỷ đồng nên rất khó bán cho khách hàng trong nước.

Trao đổi với PV Tổ Quốc, ông Đực cho rằng, trước đây cũng có Nghị định thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua mấy năm thực hiện số người nước ngoài mua nhà không quá 100 người do chính sách còn bất cập.

“Đến thời điểm này chúng ta mới sửa đổi, nới điều kiện là quá trễ. Tuy nhiên, có còn hơn không, tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Đực khẳng định.

Theo ông Đực, việc nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà sẽ không ảnh hưởng, không làm xáo trộn thị trường BĐS. Mặc dù vậy, ông Đực cho rằng, nên giới hạn chỉ cho phép một cá nhân nước ngoài mua tối đa 2 căn hộ nhằm tránh những nguy cơ ngoài mong muốn có thể xảy ra.

“Đèn ma” thắp sáng nhiều căn hộ

Tính đến thời điểm này, thị trường BĐS Việt Nam vẫn im ỉm. Các giao dịch trầm lắng một cách đáng sợ. Các nhà phân tích cho rằng, phải mất từ 4 – 5 năm nữa doanh nghiệp mới có thể giải quyết được lượng hàng tồn này.

Nếu dạo quanh các chung cư mới xây vào buổi tối, nhiều khu chẳng khác nào nghĩa địa, bóng tối bao trùm, khiến những ai đi ngang qua đều có cảm giác lạnh người. Tuy nhiên, vẫn có nhiều căn hộ sáng đèn. Trên thực tế, chủ đầu tư đã cố tình thắp đèn để người dân nghĩ đã bán được nhiều, nhằm tạo “tin đồn” thu hút khách mua.

Quan sát kỹ hơn sẽ thấy hầm để xe của nhiều chung cư trống trơn, chẳng có người ra vào, chứng tỏ đèn được thắp sáng trong các căn hộ này chẳng khác nào “đèn ma”.

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS cần một “cú” phá băng ngoạn mục mới có thể kích thích thị trường, tháo gỡ đầu ra.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải khắc phục được lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm một cách hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của người dân.

Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án BĐS. Qua đó, phân loại từng phân khúc, từng đối tượng khách hàng để có giải pháp hỗ trợ thị trường. Bộ cũng đã có chủ trương dừng những dự án kém hiệu quả; đồng thời cho phép chuyển đổi công năng sử dụng.

Một trong những giải pháp cấp bách được các chuyên gia đặt ra là cho phép mở rộng mô hình nhà ở thương mại với các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, diện tích, tiền sử dụng đất như nhà ở xã hội (nhà bình dân), có giá bán bằng, thậm chí thấp hơn nhà ở xã hội và được phép bán rộng rãi cho tất cả khách hàng có nhu cầu.

Về giải pháp lâu dài, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan nhằm sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS để kịp trình Quốc hội thông qua vào năm 2014.

Lê Nguyễn (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.