Sẽ có Nghị định riêng hỗ trợ nhà ở cho thuê
- Thưa ông, những căn hộ này liệu có gây mất mỹ quan và hình thành các khu ổ chuột trong tương lai?
Để đáp ứng nhà ở cho đại bộ phận người dân, chúng ta phải có nhiều giải pháp cũng như nhiều loại hình sản phẩm. Với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, chúng ta có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn, từ 30 - 70m2, sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn.
Nhiều người lo ngại các căn hộ này sẽ là những khu ổ chuột tương lai, nhưng thực tế ngay tại thành phố lớn như Tp.Hồ Chí Minh, có những hộ gia đình 24 người chen chúc trong diện tích vỏn vẹn 30m2, vì vậy chúng ta cần thực tế, cần cân đo đong đếm từ nhu cầu đến khả năng của người dân một cách hợp lý.
- Với những người chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp sẽ tính toán thế nào thưa ông?
Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40 - 45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các chính sách này đã được thể hiện trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã được trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tôi rất hy vọng Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 7 này, theo đó Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê.
Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà ở có thời hạn. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.
- Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ là quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Để gói hỗ trợ này đi vào thực tế không phải chỉ ngày một ngày hai. Muốn gói hỗ trợ này phát huy tác dụng tối đa, cần tập trung mọi nguồn lực từ Nhà nước - doanh nghiệp - người dân trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của cơ chế chính sách, đồng thời phải huy động nguồn lực, áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành nhà ở.
Hiện nay, nhược điểm lớn nhất của thị trường là sự mất cân đối cung cầu. Trong một thời gian dài, sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS đã khiến dư thừa những căn hộ có giá cao, có diện tích rộng trong khi những căn hộ có diện tích vừa phải, nhỏ, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân lại có số lượng rất ít. Do đó, tái cấu trúc lại cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS hiện nay là giải pháp cơ bản mà Bộ Xây dựng đang hướng tới. Trong đó phương án chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại có quy mô căn hộ lớn, khả năng thanh toán không phù hợp sang quy mô vừa và nhỏ đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, để tạo cú hích với một thị trường “đang ốm”, tạo cầu thực cho người dân có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ thông qua Nghị quyết 02, chấp thuận gói kích cầu 30.000 tỷ để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Xác định 30.000 tỷ là chương trình dài hạn
- Trong cuộc họp Chính phủ gần đây, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng được. Thông tin này được hiểu như thế nào thưa Bộ trưởng?
Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập trung bình, thấp và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói 30.000 tỷ thì rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng là nhỏ. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ.
Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội đã, đang thực hiện nhưng thiếu nguồn lực. Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh. Có thể thấy, vốn cho doanh nghiệp và người dân vay sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân. Ngoài 5 ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ, các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh, hạ lãi suất, các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất VLXD cũng sẽ ứng vốn và hàng hóa vào các dự án.
Ngay tại các nước phát triển có nguồn lực kinh tế, chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn đang được tiếp tục. Tại các nước thu nhập bình quân đầu người cao hơn chúng ta hàng chục lần như Singapore, Hồng Kông, Mỹ…giải quyết bài toán nhà ở xã hội vẫn là bài toán dài hạn. Vì vậy, không thể vội vã trong phát triển nhà ở xã hội, phải xác định đó là một chương trình dài hạn, chúng ta cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững.
- Nhiều người lo ngại, giá nhà xã hội thấp kéo theo chất lượng không đảm bảo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi khẳng định, nhà ở xã hội mà chúng ta đang xây dựng có chất lượng không khác gì nhà ở thương mại về yêu cầu kỹ thuật và an toàn, chỉ khác nhau về vật liệu hoàn thiện. Điều này thể hiện từ chất lượng kiến trúc, chất lượng cảnh quan môi trường đến chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhà ở xã hội không phải là nhà cho không. Nhà ở xã hội không phải chỉ dành cho những người cả đời khó khăn, mà nhà ở xã hội vẫn phải cạnh tranh và người dân có toàn quyền lựa chọn mà không bị bắt buộc phải mua của dự án nào. Vì vậy, các nhà kiến trúc, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa ra những thiết kế nhà ở xã hội vừa bảo đảm chất lượng vừa bảo đảm điều kiện sống cho con người phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong điều kiện có sự hỗ trợ của nhà nước.
- Vâng, xin cảm ơn ông!