Tiền phòng, hậu kiểm
Chiều 11/6, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có thông báo xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh ở một số địa phương vẫn còn có hiện tượng cơ quan thuế trả lại hồ sơ kê khai thuế do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.
Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm”, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và chỉ đạo tại công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 nêu trên của Bộ Tài chính để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.
Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cần khung pháp lý rõ ràng
Thống kê từ Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 1/1/2021 đến 15/1/2022, cơ quan thuế đã tăng thu hơn 500 tỉ đồng đối với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2022, sau khi có chỉ đạo chống thất thu thuế, cơ quan thuế đã kiểm chứng với 60.289 hồ sơ, tăng thu thêm 326 tỉ đồng.
Tuy nhiên, để cơ quan thuế xác định được “đúng giá thị trường” đã có hàng chục ngàn hồ sơ chuyển nhượng bất động sản bị trả lại. Dù theo phản ánh của người dân, họ đã khai đúng giá, thậm chí cao hơn với giá bán để được thông qua hồ sơ.
Cụ thể, tại TP.HCM đã có khoảng 13.100 bộ hồ sơ bị trả lại, còn số này lại Long An là 500 bộ, Vũng Tàu hơn 12.000 bộ…
Anh Bình, một nhà đầu tư cho biết, người dân ủng hộ chủ trương chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay của cơ quan thuế chưa phù hợp khiến quá trình chuyển nhượng kéo dài, gây khó dễ cho người dân, thậm chí tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding thì cho rằng, việc cơ quan thuế xác định “giá thị trường” một cách cảm tính mà không có một quy định, khung pháp lý rõ ràng không chỉ gây khó dễ quyền lợi chính đáng của người dân, mà ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
“Một người chuyển nhượng miếng đất ban đầu giá 900 triệu đồng, nhưng sau đó họ gặp khó khăn cần bán gấp, hoặc thị trường xuống nên chỉ bán cắt lỗ còn 800 triệu đồng. Nếu cứ khăng khăng mức giá kê khai không đúng với giá thị trường vì thấp hơn giá chuyển nhượng ban đầu thì quá bất hợp lý”, ông Hậu nói.
Theo Thạc sĩ Hồ Bá Tình,chuyên gia kinh tế, hiện nay khi chuyển nhượng bất động sản, người chuyển nhượng sẽ chịu 2% thuế thu nhập, người nhận chuyển nhượng chịu 0,5% phí trước bạ.
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định rõ là “giá ghi trên hợp đồng” và trong trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Với quy định như vậy thì người dân hoàn toàn có quyền không ghi giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng. Trong trường hợp này cơ quan thuế vẫn có đủ căn cứ để xác định mức thuế thu nhập mà người bán đất phải nộp.
Việc chống kê khai nhà hai giá cũng làm nóng diễn đàn Quốc hội trong kì họp mới đây.
Theo các đại biểu Quốc hội, hiện nay, cơ quan thuế không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng chính là giá giao dịch thực tế. Việc áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế mỗi nơi đang làm một kiểu. Nhiều nơi yêu cầu tính giá thuế thêm cao hơn kê khai 1,2-1,5 lần, thậm chí có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh đó, đặt ra việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng phải gắn với quyền lợi của người dân khi bồi thường, thu hồi đất.
Chẳng hạn, với các giao dịch trên thị trường thì cơ quan thuế yêu cầu áp mức giá thị trường để tính thuế. Nhưng với những trường hợp thu hồi đất đai, thì lại áp khung giá Nhà nước, dẫn đến không hợp lý, không công bằng trong trường hợp này.
-
Thuế bất động sản: Cẩn trọng kẻo ném chuột vỡ bình
“5 tháng nay em không làm ăn gì được, đúng là cái chết bất ngờ”, Thắng, một người bạn làm trong nghề bất động sản, tâm sự với tôi.
-
8 tháng 2022, thu thuế chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, nhận quà tặng là bất động đạt hơn 26.860 tỷ đồng
Số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lũy kế 8 tháng 2022 đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021....
-
Hé lộ những ‘’chiêu trò’’ trốn thuế trong kinh doanh bất động sản
Cục thuế tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi văn bản về một số cảnh báo về thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.
-
Lo ngại thất thu thuế kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính chỉ đạo nóng
Bộ Tài chính vừa có công văn số 14257 ngày 15.12.2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản....