Với mã GDA, cổ phiếu của Tôn Đông Á chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá chào sàn 30.000 đồng/cp,

Ngày 7/9, cổ phiếu của Công ty CP Tôn Đông Á (mã chứng khoán GDA) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá chào sàn 30.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu GDA tăng mạnh, thậm chí có thời điểm trong phiên, giá mỗi mã cổ phiếu này lên tới 42.000 đồng/cp, tăng 40%.

Kết phiên giao dịch 7/9, cổ phiếu GDA đang dừng ở mức 34.700 đồng/cp, tăng 15,67%. Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là gần 115 triệu đơn vị, quy mô vốn hóa của Tôn Đông Á đạt gần 4.000 tỷ đồng tại mức giá trên.

Cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á tăng hơn 15% trong ngày đầu lên sàn UPCoM

Theo bản cáo bạch niêm yết, Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập ngày 5/11/1998 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau đó, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005. Đến năm 2009, đơn vị này chuyển từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần.

Được biết, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu, thép hộp mạ kẽm phục vụ cho ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng.

Hiện Tôn Đông Á có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 57,34% vốn, bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan - thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ.

Năm 2023, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, bằng 78,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, tăng 172% so với khoản lỗ 276 tỷ đồng năm ngoái. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 760.000 tấn, tương đương 98,7% so với thực hiện trong năm 2022.

Về kế hoạch đầu tư, Tôn Đông Á dự kiến tiếp tục lập kế hoạch, nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.