06/08/2011 12:44 AM
Đó là đề tài đã và đang gây tranh cãi hiện nay. Thực hiện chính sách tiền tệ “chặt chẽ, linh hoạt”, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước tuyên bố “siết” tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó nhấn mạnh đối với bất động sản (BĐS) và chứng khoán.

Chính sách này tác động mạnh đến các doanh nghiệp BĐS, khiến thị trường BĐS lâm vào cảnh đình trệ.


Trước tình hình này, Bộ trưởng Xây dựng lúc đó là Nguyễn Hồng Quân đã làm công văn kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Cụ thể, đề nghị Ngân hàng Nhà nước trong khi vẫn không tăng tỷ lệ dư nợ đối với tín dụng BĐS, cần hướng dẫn để các ngân hàng thương mại áp dụng linh hoạt khi cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS. Tại văn bản này, Bộ Xây dựng cũng liệt kê khoản mục nào cần hạn chế tín dụng, khoản mục nào không. Đề nghị này là hợp lý, bởi không phải khoản mục nào trong lĩnh vực BĐS cũng là phi sản xuất.


Hơn thế, tình trạng trầm lắng trên thị trường BĐS đang gây nhiều tác hại cho nền kinh tế. Sự sụt giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ của hàng loạt doanh nghiệp khiến cho ngân sách nhà nước thất thu một khoản vô cùng lớn từ thuế. Các dự án bị đình trệ, các công trình thi công chậm kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp thuộc các ngành liên quan như xi măng, sắt thép, gạch ngói, đồ gỗ, vận tải... bị đình trệ theo. Nhà nước lại thất thu thêm một khoản thuế vô cùng lớn nữa từ các ngành này. Lao động trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực có liên quan, chiếm tỷ trọng khá cao trong lực lượng lao động, đang bị giảm thu nhập, một bộ phận không nhỏ trở nên thất nghiệp.


Bởi vậy, “cứu” thị trường BĐS không đơn giản là “cứu” các doanh nghiệp BĐS mà còn “cứu” nguồn thu ngân sách cho nhà nước, “cứu” hàng loạt doanh nghiệp của nhiều ngành có liên quan, “cứu” người lao động trong những ngành đó khỏi sự sụt giảm về mức sống và nói rộng hơn là “cứu” nền kinh tế khỏi suy thoái.


Không phải ngẫu nhiên mà nền kinh tế Mỹ và nhiều nước châu Âu suy thoái thường bắt đầu sự suy thoái của ngành BĐS, của thị trường nhà đất. Và sự hồi phục của kinh tế thế giới cũng thường khởi nguồn từ sự hồi phục của thị trường BĐS.


Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt cũng như chính sách tín dụng chặt chẽ hiện nay là chủ trương hết sức đúng đắn để kiềm chế lạm phát. Nhưng điều lạ lùng là chúng ta đã đổi mới, đã chuyển sang kinh tế thị trường gần 30 năm rồi mà vẫn còn chủ trương coi BĐS, coi việc làm ra những sản phẩm quan trọng như cái nhà, như khu chung cư là “phi sản xuất” để “phân biệt đối xử” về tín dụng.

Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.