CafeLand – Nhiều dự án giao thông được chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp. Việc này kéo dài nhiều năm, tổng cộng giá trị lên đến nhiều chục ngàn tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phiên làm việc của Quốc hội sáng ngày 4/6.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, một số cử tri là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cho biết, ở một số địa phương chỉ một hai doanh nghiệp hoặc là công ty con của các doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể nào cạnh tranh được. Và hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng cộng giá trị lên đến nhiều chục ngàn tỷ đồng.

Tình trạng đặc quyền và độc quyền này khiến cho việc cạnh tranh bị vô hiệu nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn và có dự án đội vốn lên đến 36 lần.

Đại biểu TP.HCM cũng nêu nhiều bất cập trong việc xét duyệt dự toán, quyết toán đặt trạm thu phí và phê duyệt thời gian thu phí trong các dự án BOT. Định giá công trình hạ tầng và bất động sản đổi cho nhà đầu tư trong dự án BT có ý nghĩa quyết định trong hiệu quả đàu tư và chống tham nhũng tiêu cực.

“Một số dự án BOT và BT cử tri nghi vấn có thất thoán lớn xin chính phủ cho biết đã kiểm tra xử lý như thế nào và giải pháp”, ông Nghĩa chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, không có dự án nào mà không tổ chức đấu thầu, không có dự án nào mà không đưa thông tin lên web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thời hạn theo quy định là một tháng.

Trong thời gian một tháng đó các nhà đầu tư nếu có quan tâm thì người ta sẽ nghiên cứu thông tin, nghiên cứu hồ sơ để tham gia đấu thầu dự án. Với những dự án có từ hai nhà đàu tư tham gia trở lên thì Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu dự án theo luật định.

Tuy nhiên, Ông Thể cũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua Bộ triển khai rất nhiều dự án BOT và có nhiều nhà đầu tư cũng chưa rành thủ tục, nhà đầu tư ít quan tâm. Nhiều dự án chính vì có một nhà đầu tư quan tâm, do đó Bộ giao thông không thể nào tổ chức đấu thầu.

“Một số dự án chúng tôi kéo dài thời gian thông báo trên trang web đấu thầu để mong muốn có thêm một nhà thầu một liên doanh nào đó để tổ chức đấu thầu tuy nhiên là không có”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Thể, căn cứ vào luật thì vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu với điều kiện chỉ có một nhà thầu tham gia. Quá trình này được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Nếu có phát hiện thông thầu, hoặc sai phạm sẽ bị xử lý.

Tranh luận phần trả lời của Bộ trưởng GTVT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn, yêu cầu Bộ trưởng trả lời những việc nêu trên là có hay không. Nếu có xử lý thế nào, và giải pháp sắp tới?

Ông Nghĩa nêu một ví dụ, thông tin trên một tờ báo gần đây cho biết kiểm toán 30 dự án BT kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng. Trong này nói rõ là 17 dự án đầu tư theo hợp đồng BT trong năm 2017 thì hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ dịnh thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

“Một số dự án rất lớn và người ta nói rằng cái công trình mà giao thông ấy chỉ phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư kinh doanh được đánh đổi. Do đó, những con đường ấy cực kỳ đắt bởi vì sự đánh đổi ấy. Thì như vậy các điều chúng tôi hỏi ở đây là kiểm toán đã nêu rồi thì xin bộ trưởng và Chính phủ cho biết chúng ta xử lý việc này như thế nào, chừng nào xử lý. Bởi vì cái này dính tới hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách, của xã hội của nhân dân”, ông Nghĩa nói.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.