Hình minh họa.
Khách ngoại quay trở lại
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của UNCTAD, khu vực Đông Nam Á ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với mức tăng 44% trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Mỹ, cho biết các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra những đánh giá về thị trường này. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Với các doanh nghiệp này, đây là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài.
Tại thị trường TP.HCM, theo Cục Thống kê Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 304 dự án FDI mới với số vốn đăng ký 231 triệu USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp theo là Nhật Bản.
Bên cạnh các phân khúc bất động sản giá trị cao như đất công nghiệp, văn phòng, mặt bằng bán lẻ,… các sản phẩm nhà ở cho thuê cũng hưởng lợi từ làn sóng FDI.
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, thị trường căn hộ dịch vụ ghi nhận lượng tiêu thụ cao nhất kể từ Q1/2020 sau khi Covid-19 bùng phát. Nguồn cầu chủ yếu được thúc đẩy nhờ chủ trương mở cửa biên giới trở lại của Chính phủ Việt Nam, từ đó thu hút nhiều hơn lượng khách nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Phần đông khách thuê là các chuyên gia từ Nhật Bản và Đài Loan trong mảng xây dựng và sản xuất.
Nguồn cung trong khoảng nửa năm trở lại đây dần trở nên khan hiếm hoặc tốc độ cho thuê khá nhanh. Đa số nguồn cung được ưa chuộng đến từ khu vực quận 2, quận 7, Bình Thạnh. Giá thuê do đó cũng đã có sự phục hồi so với thời điểm dịch bệnh trong năm 2021.
Nguồn cầu căn hộ dịch vụ tăng cao sau thời điểm Việt Nam mở cửa trở lại (ảnh minh họa)
Nguồn cung chỉ tăng 1% theo quý và không đổi theo năm với 6.221 căn từ 102 dự án. Trong Q2/2022, một dự án hạng C là Saigon Airport Plaza đã mở lại 44 căn, không có dự án mới được ghi nhận trong quý này. Tổng nguồn cung tương lai là 780 căn đến từ 5 dự án; nguồn cung khu vực trung tâm chiếm 38%.
Giá thuê trung bình tăng 1% theo quý đạt 496.800 đồng/m2/tháng. Giá thuê hạng A tăng 3% theo quý,và 6% theo năm. Công suất đạt 74%, tăng 6 điểm phần trăm theo quý và 10 điểm phần trăm theo năm, nhờ vào chuyên gia nước ngoài, sinh viên quốc tế và người lao động quay trở lại.
Khác biệt giữa khách ngoại và khách Việt
Anh T., một môi giới chuyên phân phối các căn hộ của dự án Vinhomes Grand Park ở TP.Thủ Đức, cho biết khu vực này khá được ưa chuộng bởi người ngoại quốc do vị trí cần kề với các công ty, trường học quốc tế
“Phần đông người ngoại quốc khi thuê các chung cư để ở thường lựa chọn các căn hộ đã có đầy đủ nội thất. Nhóm người này rất coi trọng không gian sống, yêu cầu cao về thiết kế, tiện ích đi kèm căn hộ. Nhiều khách ưu tiên các khu vực có nhiều người ngoại quốc sinh sống để thuận tiện giao tiếp, đảm bảo cuộc sống thuận lợi nơi xứ lạ”, anh T. cho hay.
Khách ngoại quốc yêu cầu cao về không gian sống, thiết kế (Hình minh họa).
Những khách chuyên gia với nhu cầu thuê ngắn hạn khoảng 1-2 năm sẽ thích các căn hộ studio hoặc 1 phòng ngủ với nội thất đầy đủ nhưng đơn giản, thiết kế khang trang. Dòng căn hộ này có mức giá từ 5-8 triệu đồng/tháng tùy theo diện tích, thiết kế và chất liệu.
Các khách hàng có nhu cầu ở lâu dài thường sẽ mang theo gia đình, lựa chọn các căn hộ 2-3 phòng ngủ với mức giá từ 8-12 triệu đồng/tháng.
Các khách ngoại quốc có xu hướng lựa chọn các căn hộ được thiết kế theo văn hóa quê nhà, mang lại cảm giác thân thuộc khi sinh sống.
“Khách Việt thì quan tâm về giá căn hộ, điều khoản thuê nhiều hơn, trong khi khách nước ngoài lại quan tâm đến thiết kế, tiện ích sống”, anh T. chia sẻ về khác biệt giữa nhóm khách thuê.
Môi giới “ngại” khách ngoại?
Thông thường, anh T. sẽ không làm việc trực tiếp với khách mà thông qua một người Việt Nam. Trong khi các khách trẻ tuổi sẽ nhờ bạn bè phiên dịch còn các khách chuyên gia công tác sẽ làm việc thông qua công ty chủ quản.
“Có một số trường hợp khách nước ngoài liên hệ trực tiếp nhưng bản thân tôi không giỏi ngoại ngữ nên thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tư vấn. Cũng có lúc tôi sử dụng công cụ dịch thuật nhưng không có hiệu quả cao, đa phần những trường hợp này đều khó chốt giao dịch” anh T. cho biết.
Anh T. cũng cho rằng phân khúc căn hộ dịch vụ cho thuê ít rủi ro hơn các loại hình khác khi làm việc với khách ngoại quốc. Theo vị môi giới này, khách hàng khi thuê căn hộ này thường chỉ ở, không sử dụng với mục đích khác. Các căn hộ đầy đủ nội thất cũng sẽ ít rủi ro hơn vì sẽ không cần phải thay đổi.
Môi giới cho rằng cho thuê căn hộ đầy đủ nội thất sẽ ít rủi ro hơn (Hình minh họa).
“Đồng nghiệp của tôi đã từng gặp rắc rối khi cho khách thuê căn hộ chưa đầy đủ nội thất dẫn đến khách tự ý thi công không xin phép chủ đầu tư hay liên hệ môi giới. Quá trình giải quyết cũng khó khăn vì thiếu người phiên dịch kịp thời”, anh T. tâm sự.
Anh T. cho rằng bất đồng ngôn ngữ là một rào cản rất lớn khi tư vấn, làm việc với khách nước ngoài vì rất dễ bỏ sót những điều khoản quan trọng nếu không hiểu rõ văn hóa của khách hàng.
-
Bị tố làm khó cư dân, Vạn Phúc Group lên tiếng
Van Phuc Group vừa chính thức lên tiếng về vụ việc một người đàn ông ngoại quốc đăng tải video clip lên mạng xã hội tố tập đoàn này làm khó dễ cư dân khu đô thị Vạn Phúc. Những video này nhận được sự tương tác lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.